Cần lưu ý gì về giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao? “Sóng” giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao? |
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Mấy hôm nay, thông tin giá gạo xuất khẩu giảm, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm là điều tất yếu. Thứ nhất, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu...
Đà đảo chiều giá gạo xuất khẩu có kéo dài? |
Tuy nhiên, họ vẫn để một kênh đó là đàm phán với Chính phủ, một số Tập đoàn lớn thông qua kênh ngoại giao vẫn mua được các đơn hàng lớn. Giá gạo xuất khẩu này có giá riêng lẻ và với mức giá tốt hơn rất nhiều. Do đó, nói Ấn Độ xuất khẩu gạo bình thường thì không chính xác nhưng thực tế họ vẫn xuất khẩu gạo khá nhiều.
Với Thái Lan, hiện họ đang chào gạo xuất khẩu tháng 10 và tháng 11 này với mức giá rất tốt. Việt Nam muốn bán được gạo cho các khách hàng thì bắt buộc doanh nghiệp phải chào mức giá giảm hoặc bằng với thị trường nước ngoài để cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chào như vậy thì lại không mua được hàng trong nước.
Do đó, có một nghịch lý là doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cứ chào hàng, nhưng khi nhà mua hàng không “chốt đơn” thì doanh nghiệp xuất khẩu cảm thấy an tâm hơn.
Giá gạo xuất khẩu giảm, giá gạo nội địa đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối phó với việc này như thế nào, thưa ông?
Mấy hôm nay, giá gạo xuất khẩu có sụt giảm đôi chút, tuy nhiên, con số sụt giảm này không đáng kể. Trong khi đó, giá lúa trong nước đang ở mức rất cao. Các doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu mà phải mua lúa với giá hiện tại thì không cạnh tranh được với các nước lân cận. Do đó, đa số hợp đồng mới bây giờ, khách hàng vẫn cứ hỏi, nhưng khi doanh nghiệp chào giá thì họ không mua.
Giá gạo xuất khẩu ngày 7/9/2023 (nguồn Hiệp hội Lương thực Việt Nam) |
Thông thường, khi thị trường thế giới tăng giá 5 – 10 USD/tấn thì giá lúa và giá gạo trong nước tăng rất nhanh. Tuy nhiên, khi giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm thì giá lúa và giá gạo trong nước hầu như không giảm, hoặc giảm rất chậm.
Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đàm phán các hợp đồng xuất khẩu cũng như thu mua đủ số lượng để hoàn thành các hợp đồng cũ đã ký.
Do đó, đa số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó, dù có lỗ 1 khoản khá lớn nhưng họ vẫn tranh thủ mua đủ lượng hàng để xuất khẩu.
Và khi giá lúa vẫn giữ ở mức cao trong khi giá gạo xuất khẩu thế giới giảm thì thường các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không ký nữa.
Đâu là nguyên nhân của các nghịch lý này, thưa ông?
Là do ngành lúa gạo Việt Nam đang bị một nhóm "cò", "lái" làm giá. Khi giá gạo lên cao như vậy, xuất khẩu lại ít đi thì người chịu thiệt nhiều nhất là người tiêu dùng trong nước. Bởi các đơn hàng bán qua, bán lại, người tiêu dùng trong nước phải sử dụng lương thực, do đó, giá gạo tăng cao thì họ sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên.
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công Ty TNHH Vrice Group (Ảnh: NVCC) |
Do đó, trong thương mại lúa gạo cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các “cò” lúa, gạo để thị trường lúa gạo được minh bạch và uy tín.
Chẳng hạn, khi thương lái thu mua lúa cho nông dân, sau đó do yếu tố giá cả lên xuống, thương lái bỏ cọc. Nông dân và doanh nghiệp phát hiện và họ gửi đơn lên cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý. Tránh tình trạng thương lái, "cò" gạo tràn lan và khi có vấn đề thì họ biến mất, không liên lạc được.
Trong “sóng” giá gạo hiện nay, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất, thưa ông?
Giá gạo tăng cao thì chỉ có thương lái là người được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi doanh nghiệp là người ký hợp đồng từ trước, có đầu ra thì mới tiến hàng xây dựng vùng trồng, sản xuất, xuất khẩu. Cộng với các chi phí vận chuyển, nhân công,… trong khi giá đầu ra đã ký hợp đồng từ trước đó. Họ phải bán với giá đã ký và không thể tăng giá khi giá trên thị trường tăng.
Đối với nông dân, giá gạo xuất khẩu tăng, họ có thể tăng giá một chút, nhìn ngắn hạn thì thấy họ có lợi, nhưng đó chỉ là lợi trước mắt, về lâu dài thì họ sẽ gặp bất lợi.
Bởi khi xuất khẩu ít đi thì đồng nghĩa với thu ngoại tệ sẽ ít, kéo theo tỷ giá VND với USD tăng cao và kéo giá hàng nhập khẩu tăng cao. Nông dân Việt Nam phụ thuộc đầu vào nhập khẩu như phân bón, thuốc trừ sâu,… Giá bán lúa tăng cao nhưng kéo theo đó là chi phí đầu vào tăng cao sẽ ăn vào lợi nhuận của họ.
Trong khi đó, nhóm "cò", thương lái thì khi có lợi nhuận thì họ “mua đi, bán lại”, còn khi thị trường sụt giảm thì họ sẵn sàng bỏ lô hàng. Thiệt hại sẽ rơi vào người nông dân, trong khi doanh nghiệp cũng không mua được hàng để xuất khẩu.
Do đó, các cơ quan chức năng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi họ là người bỏ vốn đầu tư nhà máy, nhà xưởng, bỏ chi phí xây dựng thương hiệu,… Họ làm theo mô hình khép kín và sản xuất kinh doanh họ phải đóng thuế, góp phần tạo công ăn, việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu đang là người chịu thiệt nhiều nhất.
Theo ông nhận định, đà giảm giá gạo xuất khẩu này có còn kéo dài?
Từ góc nhìn của nhà xuất khẩu cũng như kinh doanh mặt hàng này nhiều năm, tôi cho rằng, thị trường đang bị làm giá, và dự báo, đà giảm giá gạo xuất khẩu này còn kéo dài đến hết tháng 9/2023.
Bởi lẽ, lúa gạo là cây trồng ngắn ngày, chỉ trong khoảng 3 tháng thì đã có mùa vụ mới. Các tỉnh trồng lúa xen kẽ nhau, do đó, lượng thu hoạch sẽ thường xuyên. Đồng nghĩa đầu vào của chúng ta không thiếu.
Thứ hai, đó là áp lực từ các nhà nhập khẩu. Mặc dù, họ có nhu cầu thật nhưng giá gạo xuất khẩu quá cao thì họ sẵn sàng chuyển sang thực phẩm khác thay thế như lúa mỳ, lúa mạch...
Thứ ba, Ấn Độ có thể bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo bất kỳ lúc nào. Do đó, nếu doanh nghiệp nào có quan điểm găm hàng, chờ giá lên thì cũng sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ rất lớn.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị về giá sàn xuất khẩu gạo, ông bình luận gì về việc này?
Thông thường các chính sách ban hành, nhà nước sẽ cân nhắc lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Việc đưa ra giá sàn xuất khẩu thì khá tương đồng với chính sách của Ấn Độ, Philippines, Thái Lan. Hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu tránh được việc làm giá từ các thương lái.
Do đó, kiến nghị đưa ra giá sàn cũng khá hay. Chính phủ đưa ra định hướng cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời giúp doanh nghiệp đủ tự tin hơn trong việc đàm phán với khách hàng quốc tế, đảm bảo được uy tín của doanh nghiệp trong nước và thương hiệu gạo Việt Nam.
Ngành lúa gạo là ngành xuất khẩu chính và là ngành mũi nhọn của Việt Nam, nhưng việc không ổn định về giá cả dẫn đến những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và cả khâu quản lý của nhà nước.
Xin cám ơn ông!