Theo Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng hợp báo cáo cập nhật đến 9h00 sáng nay 11/9 từ Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão/thủy lợi của các địa phương, tính đến 19h00 ngày 10/9/2024 trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số đã xảy ra 25 sự cố đê điều tại 09 tỉnh, thành phố.
Phần đập đất của công trình thủy lợi Hà Thanh (xã Đông Hải) bị vỡ khoảng 50m, nước từ công trình đã ảnh hưởng đến khoảng 400 hộ dân (Ảnh: Ngọc Yến) |
Cụ thể, 1 sự cố vỡ đê cấp V, dài 10m (đê tả sông Lô thuộc địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bảo vệ cho khu vực 40 ha với khoảng 230 hộ dân), địa phương đã tổ chức di dời dân cư để tránh ngập lụt và đang tiến hành xử lý hàn khẩu, nhưng phải tạm dừng do chênh lệch mực nước lớn.
10 sự cố lũ tràn trên các tuyến đê cấp IV-V (đê chỉnh trang thành phố Thái Nguyên; cục bộ nhiều vị trí đê tả, hữu Thao thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ với chiều dài khoảng 5,0km; đê hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và đê sông Tích thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).
5 sự cố sạt mái đê: sự cố sạt 30m mái phía sông tại K76+500 đê hữu Cầu (đê cấp II), huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; sạt mái phía sông đê hữu Hồng tại K154+258 - K154+280 dài 20m và từ K154+236-K154+250 dài 14m (đê cấp I); sự cố sạt mái phía sông đê bối Phù Vân dài 20m và mái đê bối Thụy Xuyên dài 20m, tỉnh Hà Nam. Hiện các địa phương đã xử lý bước đầu, khoanh vùng và tổ chức theo dõi chặt chẽ các sự cố.
1 sự cố đùn sủi tại K17+720 đê tả Thương (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang, địa phương đã được xử lý giờ đầu. Ngoài ra, nước lũ đã tràn qua đỉnh các bờ bao phía bờ tả sông Lục Nam.
1 sự cố kẹt cánh cống Đa Hội 2, tại K10+600 đê tả Cầu (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang; 7 sự cố rò rỉ mang cống, cánh cống tại huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu.
Ngoài ra, đã tổ chức hoành triệt 22 cống qua đê không đảm bảo an toàn (08 cống thuộc tỉnh Hải Dương và 14 cống thuộc tỉnh Hà Nam).
Về ách tắc giao thông đường bộ, các đơn vị đang tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây ra (đã xử lý đảm bảo giao thông tại 30 vị trí bị tắc) nhưng hiện do vẫn còn mưa, nước trên sông dâng cao nên phát sinh thêm nhiều điểm tắc giao thông do sạt trượt, xói nền mặt đường hoặc do ngập nước trên một số quốc lộ (107 vị trí).
Về ách tắc giao thông đường sắt, tuyến Yên Viên - Lào Cai, hiện phong tỏa toàn bộ các khu gian từ Ấm Thượng - Lào Cai; tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, đã dừng chạy tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống; tuyến Bắc Hồng - Văn Điển, tại Km20+400-Km21+000 nước ngập đỉnh ray trên 550mm, đã phong tỏa, cấm tàu qua khu gian Phú Diễn - Hà Đông.
Để khắc phục sự cố do bão, lũ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương khắc phục thiệt hại, sự cố do bão để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân (tính đến 16h00 ngày 10/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khôi phục được toàn bộ đường dây và trạm biến áp 500kV, lưới điện 220kV cơ bản đã khôi phục xong; các đơn vị điện lực địa phương đã khôi phục 114/173 đường dây 110kV và 1.296/1.535 đường dây lưới điện trung thế.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, tính đến ngày 10/9 đã khôi phục được 3.812 trạm phát sóng di động (khoảng 60%). Hiện vẫn còn 2.473 trạm thu phát sóng di động chưa khôi phục được thông tin liên lạc. Cục Viễn thông sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các biện pháp khắc phục tiếp theo.
Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu từ bão số 3 và mưa lũ thống kê đến 24h00 ngày 10/9/2024, đã có 201 người chết, mất tích (143 người chết, 58 người mất tích); 160.851 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 30.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 16.243 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.610 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.313 con gia súc, 793.755 con gia cầm bị chết.