Ngày 25/8/1996, trong dịp mừng thượng thọ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, 5 anh em ông Cẩn đã vinh dự được chụp ảnh cùng Đại tướng và Phu nhân Đại tướng |
Sục sôi lòng yêu nước
Nay, Đại tá Hoàng Thúc Cẩn đã ngoài 90 tuổi. Chậm rãi, vị Đại tá già kể tôi nghe, quê gốc của ông ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình). Nhà có 7 anh em, ngoài anh trai đầu mất sớm và người em út còn nhỏ, 5 anh em trai (Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân) đều tham gia kháng chiến chống Pháp.
Động viên con cái và thanh niên địa phương kháng chiến, cha tôi đã viết: "Nhà tôi sinh được bảy người con/ Quyết chí chung tình với nước non/ Kháng chiến năm con đi khắp nước/ Lớn lên trai bé sẽ xung phong…", rưng rưng ông Cẩn đọc và tiếp chuyện, trước Cách mạng tháng Tám, ba anh em (Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn) vào Huế đi học tại Trường Thuận Hóa. Học xong, ông Cảnh ra Thanh Hóa tham gia Mặt trận Việt Minh, hai người còn lại nối bước anh, ông Tuệ chiến đấu ở Nam Trung bộ, còn ông Cẩn được biên chế về Trung đoàn 9, Đại đoàn 304. Người em kế tiếp ông Cẩn là ông Hoàng Thúc Tấn học trường Thiếu sinh quân rồi trở thành chiến sĩ thông tin; cậu em Hoàng Quý Thân đi học ở Nghệ An, sau này sắp tiếp quản Thủ đô đã xin theo bộ đội từ Nghệ An về Hà Nội.
Đại tá Hoàng Thúc Cẩn |
20 tuổi, ông Cẩn đã phụ trách một đội đặc biệt trực tiếp chỉ huy đánh đòn phủ đầu quân Pháp khi tướng Pháp De Lattre de Tassigny vừa nhậm chức Cao ủy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Năm 1952, ông Cẩn theo đơn vị tiến quân ra Bắc, tham gia chiến dịch ở tỉnh Hòa Bình rồi được cử đi học lớp lái máy bay, nhưng do tình hình thay đổi, ông Cẩn được lệnh chuyển sang pháo binh.
Đầu tháng 10/1954, ông nhận lệnh đưa một đại đội về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô.
Mừng vui ngày đoàn tụ
Ngày 10/10/1954, khi những đội lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân Giải phóng theo các hướng tiến vào tiếp quản Hà Nội. "Anh Cảnh cùng cơ quan Chính phủ từ Việt Bắc vào Phủ toàn quyền cũ, nay là phủ Chủ tịch; anh Tuệ trong Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã Tư Sở; tôi cùng đơn vị ở gần sân bay Gia Lâm; chú Tấn từ Hòa Bình vào Ô Chợ Dừa, qua Ô Quan Chưởng rồi đóng quân ở đầu cầu Long Biên; chú Thân theo xe của Trung đoàn 57 vào nội thành. Rồi chúng tôi đoàn tụ" – ông Hoàng Thúc Cẩn nhớ lại. Khi đó, vì không có người quen ở Hà Nội nên gặp đồng đội ở các đơn vị khác trên đường đi, ông Cẩn đã nhờ họ nếu gặp anh em của ông thì nhắn giùm ông đang đóng quân ở gần sân bay Gia Lâm, hoặc mỗi sáng chủ nhật thì đến cầu Thê Húc để tìm nhau.
Khi ông Cẩn đang ở gần sân bay Gia Lâm thì người em trai Hoàng Quý Thân tìm đến đầu tiên. Vài ngày sau, hai anh em vào trong nội thành. Khi đến giữa cầu Long Biên, ông Cẩn nhìn thấy phía trước một người mặc quân phục có dáng rất thân quen, ông gọi to: "Tấn phải không em?". Anh bộ đội quay lại, đúng là em trai Hoàng Thúc Tấn. Ba người ôm nhau khóc trên cầu Long Biên. Cũng nhờ đồng đội báo tin, ông Tuệ biết em trai đang tìm nên sáng Chủ nhật nào cũng ra cầu Thê Húc tìm và gặp được ba em trai Cẩn, Tấn, Thân. Ít ngày sau, anh em họ mới được đoàn tụ trọn vẹn bên bờ Hồ Gươm khi ông Hoàng Thúc Cảnh đi công tác về.
"5 anh em ai nấy đều vẹn nguyên, đó là cuộc hội ngộ đầy nước mắt hạnh phúc và tự hào" - Đại tá Hoàng Thúc Cẩn mắt lại đỏ hoe. Ông bảo, khi ấy, 5 anh em đã vào đền Ngọc Sơn thắp hương bái tạ tổ tiên và những đồng đội đã hy sinh.