7 vấn đề then chốt quyết định thành công các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung |
Lý do kéo dài thêm thời gian cho các cuộc đàm phán so với dự kiến ban đầu trong hai ngày vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Donald Trump trước đó đã bày tỏ sự lạc quan rằng “cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt”. Chính quyền Trung Quốc có kế hoạch đưa ra tuyên bố sau vòng đàm phán mới nhất. Ngày 08/01, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lục Khảng - cho biết, Trung Quốc sẽ phát hành thông báo chi tiết sau khi hai bên kết thúc cuộc đàm phán.
Chứng khoán Mỹ và chứng khoán châu Âu đã tăng vọt khi các nhà đầu tư chờ đợi sự phát triển về các cuộc đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 07/01, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross bày tỏ, cuộc đàm phán là một cơ hội rất tốt để hai bên sẽ có được cách giải quyết hợp lý. Phó Thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc - đã xuất hiện tại các cuộc đàm phán ngày 07/01 như một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một kết quả tích cực. Ông Lưu Hạc là cố vấn kinh tế trưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đưa ra những nhận xét ngắn gọn trong các cuộc đàm phán. Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng dẫn đầu đoàn Trung Quốc tại vòng đàm phán trước đó tại Washington vào năm ngoái, nhưng đã kết thúc trong thất bại và dự kiến ông Lưu Hạc sẽ gặp nhà đàm phán Robert Lighthizer vào cuối tháng này.
Kể từ khi hai nhà lãnh đạo cấp cao gặp nhau vào ngày 01/12/2018, Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ đối với các yêu cầu của Mỹ, bao gồm tạm thời cắt giảm thuế trừng phạt đối với ô tô do Mỹ sản xuất, nối lại việc mua đậu nành, hứa hẹn sẽ mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài và soạn thảo pháp luật để ngăn chặn chuyển giao công nghệ bắt buộc. Làm thế nào Trung Quốc thực thi các biện pháp đó sẽ là chìa khóa cho bất kỳ thỏa thuận nào. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các thỏa thuận và ngay Bộ trưởng Thương mại Mỹ ngày 07/01 đã khẳng định "vấn đề thực sự đó là các cơ chế thực thi, những hình phạt nào nếu mọi người không thực thi những gì họ phải làm?”. Các nhà đàm phán Mỹ ở Bắc Kinh đang thúc đẩy phía Trung Quốc đưa ra một cơ chế để đảm bảo rằng Bắc Kinh giữ đúng những lời hứa mà họ đưa ra. Điều đó bao gồm việc đưa ra các thời gian cụ thể để mua hàng Mỹ và đảm bảo rằng Bắc Kinh không cản trở các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Sáu tháng sau khi Tổng thống Trump lần đầu tiên áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, các dấu hiệu cho thấy, cuộc chiến thương mại đang tạo ra các chi phí kinh tế và tài chính, làm tăng động lực cho cả hai bên chấm dứt xung đột. Tập đoàn Apple Inc. đã cắt giảm triển vọng doanh thu vào tuần trước vì doanh số bán iPhone chậm hơn so với dự kiến tại Trung Quốc, trong khi dữ liệu về hoạt động của nhà máy và doanh số bán lẻ ở quốc gia châu Á này cũng yếu. Leland Miller - Giám đốc điều hành của China Beige Book, một công ty phân tích dữ liệu khảo sát các công ty trên toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc - cho biết, sự hiện diện của Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại cuộc đàm phán cho thấy, Bắc Kinh muốn thể hiện điều này được hỗ trợ ở cấp độ cao nhất. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hai cường quốc kinh tế xuống thang. Tổng thống Trump đã cho đại diện Thương mại Mỹ thời hạn đến ngày 01/3 để đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc về những thay đổi cấu trúc của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý ở Bắc Kinh. Hai bên đã có dấu hiệu về điểm chung trong năm qua, chỉ là tiến triển bị đình trệ.
Các cuộc thảo luận là sự tương tác mặt đối mặt đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi cả hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Argentina và đồng ý đình chiến tạm thời trong cuộc chiến thuế quan trả đũa. Nhiều cuộc thảo luận cấp cao hơn có thể diễn ra trong tháng này, trong đó Tổng thống Trump và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn có thể gặp nhau tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 07/01 xác nhận rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Davos, tuy nhiên không xác nhận bất kỳ kế hoạch nào về việc gặp Tổng thống Trump.