Khảo sát mới nhất được thực hiện ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất tạm ngừng tăng thuế quan mới trong vòng 90 ngày khi hai nước đang cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại. Các thông tin cho thấy hiệu ứng lan tỏa của xung đột thương mại trong tháng 11 và cuộc khảo sát hồi tháng 10 ghi nhận một số quốc gia hướng về xuất khẩu đã giảm mạnh các đơn đặt hàng. Chỉ số PMI của Hàn Quốc đã giảm từ 51 vào tháng 10 xuống còn 48,6, lần đầu tiên xuống thấp trong ba tháng liên tiếp. Chỉ số các đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm đặc biệt mạnh, giảm từ 49,5 xuống còn 46,2 thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2013. Cuộc khảo sát cho thấy đầu tư kinh doanh đã giảm, sự chậm trễ trong mua hàng và điều kiện kinh tế xấu đi tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt đều liên quan đến sự suy thoái mới nhất.
Dữ liệu PMI của Hàn Quốc trong tháng 11 cho thấy “thêm bằng chứng rằng tăng trưởng toàn cầu suy yếu hơn đang gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc”, đặc biệt ngày càng lo ngại về triển vọng của ngành ô tô, với các báo cáo cho thấy việc cắt giảm sản lượng và các đơn đặt hàng giảm là một phần phản ánh sự suy thoái trong ngành này. Doanh số toàn cầu của Hyundai Motor, Kia Motor, GM Hàn Quốc, Ssangyong Motor và Renault Samsung đạt tổng cộng khoảng 720.000 xe trong tháng 11, đã giảm 4,9% so với năm trước, phản ánh nhu cầu yếu hơn từ nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Kết quả là theo thống kê của chính phủ, tổng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong khoảng hai năm gần đây. Chỉ số PMI sản xuất của Đài Loan cũng giảm một lần nữa vào tháng 11 xuống còn 48,4 so với 48,7 trong tháng 10. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới vẫn ở mức thấp 45,8. Nhu cầu chất bán dẫn tăng chậm lại, cùng với những lo ngại thương mại đã đẩy con số này xuống thấp hơn.
Chỉ số PMI của ASEAN đã vượt qua xu hướng giảm, tăng lên 50,4 trong cuộc khảo sát mới nhất, từ mức 49,8 hồi tháng 10. Nhưng triển vọng xuất khẩu vẫn ảm đạm, với chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới vẫn dưới 50 trong tháng thứ tư liên tiếp, ở mức 49,3. David Owen, một nhà kinh tế của HIS Markit, cho rằng sự gia tăng chỉ số PMI trong tháng 11 với ASEAN “chỉ là sự phục hồi nhỏ” từ tháng 10. Tốc độ tăng trưởng vẫn còn yếu hơn so với những gì đã thấy đầu năm nay, do tổng đơn hàng chỉ tăng một phần. Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu tiếp tục xấu đi theo sự suy giảm thương mại toàn cầu. Trong số các nước ASEAN, Malaysia có sự sụt giảm lớn, xuống còn 48,2 từ mức 49,2. Philippines có PMI tăng từ 54 lên 54,2 nhưng giảm chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới từ 49,3 xuống 47,9 là mức thấp nhất kể từ tháng 01 năm 2016 khi Philippines được thêm vào kháo sát PMI.
Sau khi dữ liệu về khảo sát PMI tháng 11 được tổng hợp, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất “đình chiến” nhưng các chuyên gia cho rằng điều này có thể chỉ là sự tạm thời cho phần còn lại của Châu Á. Alex Holmes, chuyên gia kinh tế Châu Á tại Capital Economics không nghĩ rằng sự giảm sút mong manh này sẽ mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong khu vực. Tăng trưởng toàn cầu chậm hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài bất kể căng thẳng thương mại có xuống thang.
Điểm sáng lớn nhất là Việt Nam với chỉ số PMI tăng từ 53,9 trong tháng 10 lên 56,5 trong tháng 11, khi Việt Nam tiếp tục là địa điểm thay thế cho Trung Quốc đối với các nhà sản xuất toàn cầu. Giá dầu giảm trong tháng 11 là một yếu tố tích cực ở khắp Châu Á. Giá dầu thô Dubai tăng và duy trì trên 80 USD một thùng trong tháng 10 đã làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong những tháng đó. Ở ASEAN, Chỉ số chi phí đầu vào đã giảm từ 59,6 trong tháng 10 xuống 57 trong tháng 11, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 6. Giá dầu cao và đồng nội tệ yếu đã ép các nhà sản xuất cho đến tháng 10, nhưng giá dầu thô giảm sau đó giúp giảm chi phí. Chỉ số chi phí đầu vào của Ấn Độ đạt mức thấp nhất trong 7 tháng là 54,3 trong khi Đài Loan đạt mức thấp nhất trong 16 tháng ở mức 54,2.