CôngThương - Tuy nhiên, sự phối hợp nhịp nhàng của các công cụ điều hành nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế dường như vẫn chưa được như mong muốn, nhất là chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Kiên trì chính sách ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo các mục tiêu vĩ mô nhưng một số ý kiến tại Hội thảo quốc tế “Chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Học viện Ngân hàng và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 18/11/2011 tại Hà Nội cho rằng: Phải có sự phối hợp của các chính sách khác mới có thể đảm bảo dược sự ổn định của nền kinh tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro do sức ép lạm phát cao, lãi suất cao… NHNN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng năm 2011 dự báo chỉ 12-13%/năm, lãi suất cho vay đến thời điểm này vẫn ở mức cao. Thắt chặt tiền tệ bao nhiêu là phù hợp đang là câu hỏi mà cộng đồng DN và cả nền kinh tế đang mong muốn có câu trả lời phù hợp. Chuyên gia kinh tế của ADB - ông Dominic bày tỏ: Việt Nam đang trong giai đoạn ban đầu xây dựng thị trường tài chính nên NHNN vẫn phải có những biện pháp để kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, sử dụng công cụ cụ thế nào để có tác động tốt nhất đến tỉ lệ tín dụng ở Việt Nam là vấn đề cần tính đến, bởi tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lãi suất cho vay.
Nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012 vẫn sẽ chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng, vì thế để giữ ổn định và đảm bảo tăng trưởng thì rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách để bổ trợ cho nhau. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng đề xuất: Cần hạn chế tình trạng đảo chiều liên tục trong điều hành các chính sách tiền tệ và tài khóa, tránh tác động quá liều nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn nhưng tác động tiêu cực trong tương lai và cũng cần có những giải pháp dự phòng. Đặc biệt là cần phối giữa các chính sách để giảm đầu tư công.
Định hướng cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Giáo sư Tô Ngọc Hưng- Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng: Các chính sách tiền tệ cần kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát trong dài hạn. Nhà nước phải có các quy định cụ thể chỉ tiêu lạm phát cũng như tổng phương tiện thanh toán, từ đó có cách cung tiền hợp lý. Đặc biệt, cần phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm điều kiện cho 2 chính sách này được phối hợp nhịp nhàng, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và khỏe mạnh, tác động trực tiếp đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho nền kinh tế. Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Thị kim Thanh- Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng băn khoăn: Về lý thuyết, các chính sách đều đặt được mục tiêu nhưng khi áp dụng thực hiện lại rất khó khăn. Tại Việt Nam, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phối hợp giữa 2 chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Bà Thanh đưa ra giải pháp: để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần xây dựng được chương trình tài chính. Đến nay chúng ta chưa có một đơn vị đứng ra chủ trì vấn đề này. Nếu làm được chính sách tài chính tốt thì sẽ có câu trả lời cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ bao nhiêu là đủ. “Trong môi trường biến động thế này, bên cạnh lý thuyết thì cần linh hoạt, đôi khi hành xử hơi trái lý thuyết thì mới xử lý được vấn đề hiện tại. Nếu không có số liệu đầy đủ mà thực hiện cứng nhắc theo lý thuyết thì không giải quyết hết được vấn đề”- bà Thanh nói.