Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Đại diện Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (TP. Cần Thơ) cho biết, tính đến nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 83,46%, chậm khoảng 16,54% về tỷ trọng, tương ứng khoảng 24 tháng so với hợp đồng EPC đã ký, trong đó thiết kế đạt 99,74%, mua sắm đạt 99,63%, thi công đạt 86,67%. Dự kiến, tiến độ mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu DO vào tháng 7/2020, đốt lửa lần đầu bằng than vào tháng 10/2020; hoàn thành và vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 6/2021.
Mặc dù LILAMA và các Nhà thầu phụ đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy thi công, song tình trạng chậm trễ vẫn chưa được cải thiện.
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp trên phạm vi thế giới, khiến việc huy động chuyên gia hỗ trợ công tác lắp đặt, chuyên gia thử nghiệm các hệ thống thuộc nhà máy chính và các hạng mục phụ trợ gặp nhiều khó khăn. Do đó, công tác lắp đặt, chạy thử không thể thực hiện theo như kế hoạch đề ra. Ngoài ra, việc chưa xác định được thời điểm nhận điện 500 kV dẫn đến kế hoạch chạy thử các hệ thống có công suất tiêu thụ lớn liên tục bị thay đổi và chưa thể xác định được thời điểm hoàn thành.
Theo đại diện Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, hiện nay công tác mua sắm vật tư trong nước và nghiệm thu thanh toán với các công việc thuộc phạm vi điều chỉnh giá gặp nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ mua sắm, chế tạo, xây dựng, lắp đặt và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án. Điển hình như về phương pháp điều chỉnh giá, mặc dù hai bên đã ký phụ lục bổ sung hợp đồng, song vẫn chưa triển khai được do thiếu nguồn thông tin đầu vào, dữ liệu cơ sở để xác định đơn giá như: cập nhật tiến độ thi công thực tế để xác định giá nguyên vật liệu đầu vào, kết quả xây dựng điều chỉnh định mức mới chưa có kết quả hay chưa được phê duyệt, đang triển khai rà soát định mức nên chưa đủ điều kiện triển khai.
Bên cạnh đó, dự án còn gặp phải nhiều vấn đề như nhà thầu không có nguồn tài chính để mua sắm thiết bị theo kế hoạch, chậm thanh toán hợp đồng EPC khiến các đơn vị nhà thầu thiếu nguồn tài chính để thi công dự án.
Để Nhà máy sớm đi vào hoạt động, đại diện Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 kiến nghị Bộ Công Thương, chỉ đạo EVN và PVN khẩn trương tiếp nhận tài sản và quản lý vận hành Sân phân phối 500kV Sông Hậu ngay sau khi hoàn thành đóng diện nghiệm thu như biên bản đã được thống nhất giữa EVN và PVN để sớm cấp điện đủ công suất phục vụ chạy thử Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1
Cần phối hợp đàm phán giữa các bên
Trước những khó khăn này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, EVN và PVN cần ngồi lại với nhau trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau để dự án sớm đi vào hoạt động.
Riêng với dự án Sông Hậu 2, trong tuần tới, đại diện nhà thầu khi làm việc với dầu khí thì làm việc luôn với Bộ Công Thương để hoàn tất những thỏa thuận liên quan đến dự án này để nhà đầu tư thu xếp vốn và bắt tay vào thực hiện nhằm dự án có thể khởi công vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Về thỏa thuận thuê đất, Bộ Công Thương cũng đã có hướng dẫn rõ ràng với UBND TP. Cần Thơ. Với dự án này, chính quyền địa phương cũng rất hỗ trợ, do đó nhà đầu tư cần tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để kết thúc tất cả những vướng mắc này trong quý II/2020.
Với dự án Sông Hậu 1, đây là dự án rất quan trọng với hệ thống điện quốc gia. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu dự án thực hiện đúng tiến độ, quý II/2021 sẽ vào vận hành tổ máy 1 và quý III/2020 sẽ vào vận hành tổ máy 2. Dự báo, năm 2022 Việt Nam vẫn thiếu trên 5 tỷ kWh điện, năm 2023 thiếu trên 13 tỷ kWh điện nên nếu dự án Sông Hậu 1 này tiếp tục chậm tiến độ thì việc thiếu điện sẽ rất trầm trọng. Với ý nghĩa quan trọng như vậy thì các bên cần phải làm sao để đưa dự án vào vận hành sớm nhất.
Về hợp đồng mua bán điện, PVN cần sớm đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN, việc đàm phán này mất rất nhiều thời gian nên cần đàm phán sớm để nhanh chóng có kết quả và thực thi. Đối với khâu thanh toán cho các nhà thầu, từ đầu dự án tới nay, cách thanh toán là thanh toán 80% cho nhà thầu nên lượng nợ đọng rất lớn. Trong khi đó, ở giai đoạn này, dự án rất cần lưc lượng lao động chất lượng, chuyên môn cao, vật tư thiết bị về đúng tiến độ để đưa dự án vào thực hiện đúng dự định. Thực tế, PVN đã có chỉ đạo, ban quản lý dự án cần phải thanh toán sớm cho nhà thầu, để nhà thầu có đủ nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao sự nỗ lực của EVN trong thời gian vừa qua khi nỗ lực xây dựng đường dây 500KV để đấu nối với sân phân phối. Để phù hợp với tình hình, đại diện PVN và EVN nên thống nhất biên bản bàn giao kỹ thuật bước đầu trong tháng 6/2020. Ví dụ như, ngay sau khi chạy thử nghiệm 72 giờ thì PVN có thể soạn sẵn biên bản bàn giao và bàn giao luôn cho EVN, đơn vị MPT tiếp nhận, để vận hành, nhưng giá trị sẽ được tính sau một cách chặt chẽ. Để thực hiện việc này, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho 2 đơn vị để dự án sớm đi vào vận hành và cấp điện cho nhà phân phối.