Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum báo cáo gì vụ khám phương tiện vận tải 47H-004.50?
Ngày 5/9, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã có báo cáo Tổng cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh Kon Tum về các nội dung liên quan đến việc khám phương tiện xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 47H-004.50.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum khẳng định, đoàn khám phương tiện vận tải 47H-004.50 là đúng quy định. Ảnh: QLTT cung cấp |
Theo diễn biến vụ việc, ngày 26/8/2024, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo về việc trong phương tiện vận tải BKS 47H-004.50 có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, bằng biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 1 đã thẩm tra, xác minh và có văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát Giao thông và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Kon Tum phối hợp thực hiện khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính.
Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum) đã ban hành Quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính số 36010011/QĐKPTĐV ngày 26/8/2024 với đầy đủ thành phần đoàn khám phương tiện vận tải BKS 47H-004.50 theo quy định.
Theo kế hoạch, khi phát hiện phương tiện vận tải BKS 47H-004.50 đang lưu thông trên quốc lộ 14, lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, lúc này người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, mà bỏ chạy đến Km 1542 + 400 đường tránh Kon Tum. Lúc này, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục ra hiệu lệnh dừng xe nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình bỏ chạy, suýt tông 1 chiến sỹ cảnh sát giao thông.
Đến khoảng 23 giờ 30 phút ngày 26/8/2024, sau khi lực lượng cảnh sát giao thông đã dừng được xe thì đoàn khám phương tiện đã tiến hành thông qua Quyết định số 36010011/QĐ-KPTĐV về việc khám phương tiện vận tải đồ vật theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi thông qua Quyết định khám phương tiện vận tải, tài xế Nguyễn Đức Thăng (trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là người điều khiển phương tiện không chấp hành Quyết định khám để đưa xe về khu vực khám tại trụ sở Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kon Tum.
Do đó, để đảm bảo tính khách quan của sự việc và đảm bảo việc khám đúng quy định: Đoàn khám phương tiện thống nhất sẽ dùng giấy A4 cùng ký tên để niêm phong (dán) lên một số vị trí của phương tiện nhằm tránh mất mát tài sản hàng hóa trên xe và được giữ nguyên hiện trạng không bị thay đổi. Nhưng lập tức người điều khiển phương tiện giật xé và có thái độ thách thức, lực lượng Công an đã mời về trụ sở Công an phường Ngô Mây, TP. Kon Tum làm việc.
Lúc này, xe ô tô BKS 47H-004.50 vẫn đậu đỗ tại khu vực đường tránh, không có người trông giữ, bảo quản; gây cản trở giao thông vì các xe qua lại rất nhiều, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Do đó, đoàn liên ngành thống nhất thuê xe kéo phương tiện về trụ sở Phòng Cảnh sát kinh tế (địa chỉ: 33 Tạ Quang Bửu, phường Duy Tân, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng là địa điểm khám ghi trong Quyết định khám số 36010011/QĐ-KPTĐV.
Sau khi đưa phương tiện về trụ sở Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kon Tum, ông Thăng và ông Trường (phụ xe) cũng có mặt. Tại đây, đại diện Cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện việc giao quyết định cho tài xế nhưng tài xế vẫn không nhận. Nghĩa là ông Thăng và ông Trường đã thấy phương tiện của mình đang đậu đỗ tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum nhưng sáng hôm sau vẫn làm đơn báo mất (có clip lưu giữ).
Đến sáng ngày 27/8/2024, Công an phường Ngô Mây mời đoàn khám phương tiện vận tải lên làm việc theo đơn trình báo mất xe của ông Nguyễn Đức Thăng. Đến ngày 28/8/2024, tài xế (ông Thăng) và phụ xe (ông Trường) có đến Đội Quản lý thị trường số 1 yêu cầu đội cung cấp quyết định tạm giữ xe, tại đây, 2 ông này được một công chức Quản lý thị trường tiếp và giải thích vì chưa thực hiện việc khám nên chưa thực hiện quy trình tạm giữ. Đồng thời tiếp tục giao quyết định khám nhưng ông Thăng và ông Trường vẫn từ chối không nhận quyết định và bỏ đi.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, việc khám phương tiện phải thực hiện đúng quy định, không thể tùy tiện khám. Ảnh: QLTT cung cấp |
Liên quan đến một số câu hỏi, tại sao thời điểm dừng phương tiện, đoàn khám phương tiện chỉ đọc Quyết định mà chưa giao quyết định khám phương tiện cho người điều khiển phương tiện? Tại sao đoàn khám phương tiện và các cơ quan phối hợp đưa phương tiên vận tải về trụ sở Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum để khám, mà không tổ chức khám ngay tại vị trí dừng phương tiện?...
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum giải thích, theo quy định tại khoản 5, Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính và tại thời điểm dừng phương tiện, việc khám phương tiện chưa diễn ra, vì trong Quyết định khám đã thể hiện: Địa điểm khám là tại Phòng Cảnh sát kinh tế. Do đó, việc giao quyết định khám chỉ được thực hiện khi bắt đầu khám tại địa điểm khám; việc giao biên bản khám chỉ được thực hiện khi kết thúc khám. Đối với tình tiết tại thời điểm dừng phương tiện (chưa diễn ra việc khám), đoàn khám phương tiện chỉ đọc quyết định mà chưa thực hiện việc giao quyết định là phù hợp với quy định của Luật.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Thông tư 27/2020/TT-BCT, ngày 30/9/2020 của Bộ Công Thương, Quy định về nội dung trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biên pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường có quy định, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn trong đó có biện pháp khám phương tiện theo thủ tục hành chính.
Theo đó, việc khám phương tiện được thực hiện theo trình tự: Đề xuất khám, Phương án khám, Quyết định khám và trình tự thủ tục khám.
Về Phương án khám và Quyết định khám trong vụ việc này đã được xây dựng và ban hành “địa điểm khám được thực hiện tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum, số 33 Tạ Quang Bửu, TP. Kon Tum”. Do đó “việc khám” không thể thực hiện ngoài địa điểm đã xây dựng trong phương án và ghi trong Quyết định.
Mặt khác, tại thời điểm này, xe ô tô BKS 47H-004.50 vẫn đậu đỗ tại khu vực đường tránh, không có người trông giữ, bảo quản; đặc biệt, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn giao thông do các xe qua lại rất nhiều… Hơn nữa, việc khám phương tiện không thể tiến hành tại vị trí và địa điểm không đảm bảo an toàn về an ninh, dễ xảy ra mất mát hàng hóa. Ngoài ra, do người điều khiển không tự nguyện chấp hành nên đoàn mới thuê xe cẩu để đưa về.
Đối với câu hỏi thắc mắc tại sao đến ngày 29/8/2024, đoàn mới tiến hành việc khám phương tiện, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho hay, theo Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi tiến hành khám phương tiện vận tải phải có mặt chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện và 01 người chứng kiến, trong trường hợp chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vắng mặt thì phải có ít nhất 01 người chứng kiến. Từ quy định này, đoàn khám phương tiện không thể tùy tiện khám ngay mà không có mặt chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.