Xin ông cho biết vài nét về thực trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép trên địa bàn?
Trong những năm qua, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi như: Lợi dụng phương thức tạm nhập tái xuất, nhập nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu để buôn lậu; lợi dụng cơ chế hải quan thông thoáng, vận chuyển hàng bằng container đã kẹp chì; xé lẻ hàng hóa, quay vòng hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu hoặc tháo dời giấu kín trên các phương tiện giao thông; các khâu được khép kín; đối tượng hoạt động chủ yếu trên tuyến đường bộ, luôn thay đổi thời gian, vận chuyển bất kể ngày, đêm gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hầu hết các loại hàng hóa này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng kém, giá rẻ. Các mặt hàng này không bày bán công khai mà thường bày bán lẫn với hàng hóa sản xuất trong nước, trà trộn núp bóng với hàng liên doanh hoặc hợp thức hóa với hóa đơn của các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ nhưng số lượng không nhiều.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT và Lãnh đạo UBND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Nghiên - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Bình |
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử rất phong phú, đa dạng. Đây là hình thức kinh doanh mới, văn minh, thuận tiện cho người mua, người bán, nhưng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của hàng hóa cũng như việc xử lý đối tượng vi phạm.
Từ thực tế trên, Cục QLTT Thái Bình đã thực hiện những giải pháp nào để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chống sản xuất hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?
Cục QLTT tỉnh Thái Bình thực hiện chức năng tham mưu giúp Tổng cục QLTT, UBND tỉnh quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật.
Bắt giữ 130 kg thịt lợn tươi sống có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch |
Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh Thái Bình đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia các bộ, ngành Trung ương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp xử lý nhiều vụ vi phạm lớn, có tính chất phức tạp trên địa bàn tỉnh… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nhờ những giải pháp tổng thể nên trong năm 2018, Cục QLTT Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát 3.430 vụ, xử lý 1.239 vụ, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Ông có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả, nhiệm vụ QLTT của đơn vị?
Thực tế, công tác chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại trên địa bàn Thái Bình vẫn diễn biến phức tạp. Từ thực tế trên, Cục QLTT Thái Bình kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu cho phép lực lượng QLTT được trích lại kinh phí từ nguồn tiền xử phạt hành chính và tiền bán hàng tịch thu hàng năm để cục QLTT mua sắm phương tiện ôtô chuyên dùng, máy móc, thiết bị, trang bị cho các đội QLTT phục vụ công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng QLTT làm việc với cửa hàng thời trang có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa |
Hiện tại, Cục QLTT Thái Bình đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, đó là phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Vì vậy, đề nghị Tổng cục QLTT xem xét, bổ sung kinh phí vào dự toán năm 2019 của Cục QLTT Thái Bình để phục vụ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Bên cạnh đó, trụ sở làm việc của Cục QLTT Thái Bình cũng đang gặp khó khăn, đề nghị Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình bố trí quy hoạch đất cho trụ sở làm việc của Cục QLTT Thái Bình, trụ sở của Đội QLTT số 02 huyện Đông Hưng. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị tăng biên chế cho Cục QLTT Thái Bình, vì biên chế hiện có tại các phòng, đội QLTT rất mỏng, địa bàn rộng (mỗi huyện, trên dưới 40 xã chỉ có 4 - 5 công chức), số hộ kinh doanh nhiều, trong khi đó Tổng cục, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố giao nhiều nhiệm vụ khác nên việc quản lý và tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Xin cảm ơn ông!