Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị, năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra tương đối sôi động. Hàng hoá phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân rất phong phú, đa dạng, hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả phù hợp, cung cầu hàng hoá cơ bản đảm bảo.
Lực lượng Quản lý thị trường Quảng Trị tăng cường kiểm soát, kiểm tra thị trường mặt hàng đường cát trên địa bàn |
Tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… do nước ngoài sản xuất và thị trường nội địa có xảy ra nhưng quy mô nhỏ, ít. Trong đó, các mặt hàng chủ là đường cát, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, giày dép, áo quần, mỹ phẩm…
Ông Nguyễn Viết Thế - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Trị thông tin, để có kết quả đó, đơn vị thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật đến phối kết hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan… “Đặc biệt, Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo, tăng cường, đi sâu kiểm tra, giám sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh công tác, có những định hướng cho Đội Quản lý thị trường sát với tình hình thực tế để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Do vậy, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị đã đạt được cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xây dựng lực lượng, góp phần kiểm soát tốt thị trường, hoàn thành 120% chỉ tiêu, nhiệm vụ Tổng cục Quản lý thị trường giao về số thu nộp ngân sách, 100% công chức đã sử dụng thành thạo nhật ký điện tử, ấn chỉ điện tử, kho hàng điện tử....”, ông Nguyễn Viết Thế cho biết thêm.
Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra 632 vụ, trong đó hàng cấm, nhập lậu là 132 vụ, hàng giả, sở hữu trí tuệ 29 vụ, kinh doanh 214 vụ, an toàn thực phẩm 257 vụ. Số vụ vi phạm xử lý là 304 vụ, số hành vi vi phạm 316 hành vi. Tổng trị giá hàng hoá tạm giữ, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,6 tỷ đồng.
Điển hình, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện và xử lý 1 vụ vận chuyển 15.000 kg đường kính trắng nhập lậu, xử phạt và tịch thu hàng hóa với tổng số tiền 360 triệu đồng; Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện 1 vụ tập kết 1.975 bộ Kits tets Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có công bố chất lượng sản phẩm, không có hoá đơn chứng từ, không có hồ sơ đăng ký lưu hành có trị giá 118.500.000 đồng; kiểm tra, xử lý 4 vụ về thuốc lá điếu nhập lậu, xử phạt 15.500.000 đồng, tịch thu 2.470 bao thuốc lá điếu các loại có trị giá 49.180.000 đồng (trong đó 1 vụ chuyển Công an với số lượng 2.150 bao với trị giá 41.400.000 đồng); kiểm tra 257 vụ an toàn thực phẩm, xử lý 12 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa với tổng số tiền 106.840.000 đồng, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa hết hạn sử dụng nhưbánh kẹo, thực phẩm…; kiểm tra và xử lý 29 vụ hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa 826.472.000 đồng và buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm.
Trong năm đã tiến hành kiểm tra và xử lý 72 vụ vi phạm trong kinh doanh mặt hàng đường, xử phạt viphạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa gồm 136.150 kg đường cát, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức giám sát tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa bàn quản lý. Đã kiểm tra 6 vụ, xử lý 3 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 37.500.000 đồng với hành vi niêm yết giá bán lẻ không đúng theo giá thương nhân quy định, không ghi đúng tên thương nhân đầu mối, giảm lượng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan chức năng….
Tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm |
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Quảng Trị cho biết, năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới có thể suy thoái, đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào biến động mạnh. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp…Do đó, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các thương nhân và người tiêu dùng.
Chú trọng quản lý địa bàn theo chiều sâu; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn để đưa vào quản lý có hệ thống; cập nhật các cơ sở dữ liệu địa bàn trên hệ thống Ins, ưu tiên các ngành hàng có điều kiện; thường xuyên nắm tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; nâng cao khả năng dự báo thị trường phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả.
Tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở theo kế hoạch được phê duyệt; tổ chức thực hiện có hiệu quả chuyên đề chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn. Tăng cường công tác cài cắm cơ sở, nâng cao khả năng phát hiện các vi phạm trong hoạt động kinh doanh; kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm hành chính trong buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử.
“Đồng thời, tâp trung lực lượng, triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đảm bảo ổn định thị trường”, ông Nguyễn Viết Thế nhấn mạnh.