Ông Vũ Văn Sơn - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nam - cho biết: Hà Nam là một tỉnh nhỏ, nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đây không phải là địa bàn chính để tập kết hàng hóa, nhưng là địa bàn chủ yếu để các đối tượng trung chuyển hàng hóa nhập lậu từ tỉnh này sang tỉnh khác thông qua các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, 38A, 21A…Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, hiện các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, hàng giả qua địa bàn chủ yếu đi trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Quy định về việc không được dừng phương tiện trên đường cao tốc để kiểm tra đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, kiểm soát. Còn trên thị trường nội tỉnh, hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… còn nhiều phức tạp. Việc sử dụng các website thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động để quảng cáo, buôn bán ngày càng phổ biến. Nhưng hoạt động này chưa được kiểm soát hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng.
Tịch thu khẩu trang không rõ nguồn gốc |
10 tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước nói chung cũng như tỉnh Hà Nam nói riêng. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Hà Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, Cục đã kiểm tra, phát hiện 21 vụ vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 20 vụ, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh 1 vụ.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương… tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với Cục Quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) để kiểm tra 3 công ty xăng dầu, siêu thị điện máy; phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam để tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá hàng lên cao để trục lợi đối với một số mặt hàng: Khẩu trang y tế, các loại thuốc, dung dịch sát khuẩn, hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả các mặt hàng trên, ngăn chặn các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục QLTT Hà Nam đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên rà soát, thống kê sự biến động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để sửa đổi, cập nhật; tăng cường công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát với các hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng lực lượng QLTT tỉnh đã triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trên toàn địa bàn.
Ông Vũ Văn Sơn cho rằng: Tỷ lệ vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ trong thời gian qua còn hạn chế do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm kiểm tra và xử lý những tình huống phức tạp của một số cán bộ còn yếu, thiếu kiên quyết.
Dự báo thời gian tới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, vì vậy, Cục QLTT tỉnh Hà Nam sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thị trường nội địa. Trong đó, chú trọng chống gian lận xuất xứ hàng hóa; nắm vững diễn biến tình hình theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.