Nâng cao chất lượng cải cách TTHC
Báo cáo của Cục Hóa chất cho thấy, tại thời điểm này Cục Hóa chất đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, tập trung vào các nhiệm vụ chính: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp |
Cụ thể, Cục đã thực hiện hủy bỏ, bãi bỏ 24 TTHC, công bố ban hành mới 18 TTHC trong lĩnh vực hóa chất. Trong đó, 18/18 TTHC được áp dụng trên môi trường mạng internet từ cấp độ 3 trở lên; 4 TTHC đang áp dụng cơ chế hải quan một cửa quốc gia gồm khai báo hóa chất, cấp Giấy phép xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, cấp Giấy phép xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) tiền chất thuốc nổ và cấp Giấy phép XK, NK tiền chất công nghiệp; 2 thủ tục cấp Giấy phép XK, NK tiền chất thuốc nổ và cấp Giấy phép XK, NK tiền chất công nghiệp chính thức triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia. Cục đã tiến hành niêm yết 18 TTHC mới ban hành tại Bảng thông tin đặt tại Văn phòng Cục. Về cơ bản các TTHC này là đều được đơn giản hóa và tối thiểu các quy định.
Theo lãnh đạo Cục Hóa chất, kể từ ngày 7/1/2019 Thông tư số 49/2018/TT-BCT Bãi bỏ Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân trong Khu chế xuất khi nhập khẩu tiền chất từ các doanh nghiệp nội địa và tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu tiền chất từ nội địa vào Khu chế xuất sẽ không phải xin Giấy phép xuất, nhập tiền chất công nghiệp.
Như vậy, theo Cục Hóa chất, số lượng hồ sơ sẽ giảm khoảng 6.000 hồ sơ/năm tương đương 50% hồ sơ mà doanh nghiệp không phải xin cấp phép xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp. “Thời gian trả kết quả TTHC giảm từ 7-10 ngày (tùy từng TTHC) xuống chỉ còn 3-5 ngày, riêng khai báo hóa chất thì chỉ sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành điền các thông tin yêu cầu trên internet của một Cửa quốc gia sau khoảng 15 giây là đã nhận được kết quả phản hồi tự động của hệ thống, xóa bỏ khoảng 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm”- Lãnh đạo Cục Hóa chất khẳng định.
Thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Chia sẻ về điểm mới của TTHC, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO) - cho biết, MICCO đặc biệt chú trọng tới công tác xuất khẩu, Cục Hóa chất đã tổ chức cho doanh nghiệp được khai báo điện tử vừa nhanh gọn, đáp ứng tiến độ khách hàng. Đây là một trong những cơ hội tạo uy tín của công ty trên thị trường quốc tế.
Về phía Cục Hóa chất cũng đã đề nghị phương thức khai báo hóa chất qua môi trường mạng và ý tưởng này được cụ thể hóa ngay trong Nghị định 113/2017/NĐ-CP do Cục Hóa chất chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành. Phương thức này giúp doanh nghiệp có thể khai báo hóa chất mọi nơi, mọi lúc và có ngay kết quả (giảm hồ sơ giấy, thời gian đi lại, chờ kết quả để thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu…); đối với Cục Hóa chất, giảm được việc lưu trữ khoảng 350.000 bộ hồ sơ giấy (quy định lưu trữ 5 năm), không phải nhập số liệu bằng tay và có thể trích xuất số liệu nhập khẩu hóa chất trên cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục Hóa chất đang đẩy mạnh thực hiện các TTHC đã được công bố trong bộ TTHC thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và rà soát các TTHC trong lĩnh vực phụ trách để hoàn thành các phương án đơn giản hóa TTHC trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất nhấn mạnh, hiện tại Cục Hóa chất có 2 chức năng chính, một là hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hoá chất, 2 là quản lý hoá chất theo quy định của pháp luật về quản lý hoá chất. “Do đó, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục rà soát lại các quy định pháp luật để đơn giản hoá việc quản lý hoá chất, đồng thời tạo một môi trường để phát triển công nghiệp hoá chất”- ông Nguyễn Văn Thanh thông tin.
Trong giai đoạn tiếp theo, Cục Hóa chất sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống một cửa quốc gia và Dịch vụ Công trực tuyến theo kế hoạch của Bộ Công Thương. Tập trung rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực hóa chất thuộc ngành Công Thương để xây dựng, đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, phù hợp công nghệ sản xuất, tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất.
Cục Hóa chất tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và các đơn vị trong Bộ Công Thương để củng cố hệ thống kỹ thuật hạ tầng thương mại điện tử, thông tin kỹ thuật liên quan để thực hiện cải cách TTHC một cách hiệu quả. |