Lào Cai đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương |
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Những năm qua, cùng với củng cố mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, Việt Nam và Trung Quốc đều có các chính sách khai thác lợi thế biên giới để phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương. Đến cuối năm 2016, trung ương và địa phương đã huy động, đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng vào hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chính sách kêu gọi đầu tư qua cửa khẩu này, nhờ vậy đã thu hút được 279 dự án với tổng vốn đăng ký 1.026 triệu USD (trong đó có 15 dự án FDI vốn đăng ký trên 50 triệu USD) và khoảng 1.870 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh hoạt động. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai liên tục tăng, từ 438 triệu USD (năm 2008) lên 2,15 tỷ USD (năm 2015). Năm 2016, mặc dù có nhiều yếu tố tác động nhưng ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua đây vẫn đạt khoảng 2 tỷ USD.
Ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Triển vọng giao thương qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu những năm tới là rất lớn. Hai nước cần ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản... |
Theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã, đang phát triển rất tốt và còn nhiều tiềm năng. Ông Dương Bằng - Phó huyện trưởng huyện Hà Khẩu - cho biết: Trong danh mục khai thác các lợi thế biên giới, Trung Quốc rất ủng hộ Vân Nam khai thác tiềm năng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới với Lào Cai. “Chúng tôi luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam và nước thứ ba đến Hà Khẩu đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cùng phát triển, hài hòa các lợi ích trên cơ sở áp dụng tốt nhất, cao nhất các chính sách ưu đãi đầu tư Chính phủ Trung Quốc cho phép tỉnh Vân Nam thực hiện” - ông Bằng khẳng định.
Đến nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào hoạt động kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam). Dự kiến, đến tháng 6/2017, Việt Nam sẽ hoàn thành tuyến đường cao tốc nối Hải Phòng với Quảng Ninh, đến năm 2018 sẽ hoàn thành cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng). Khi đó, năng lực vận tải và lưu thông hàng hóa trên Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ rất thuận tiện, tạo sức hấp dẫn mạnh, thu hút các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ, du lịch… giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nỗ lực khai thác lợi thế
Ông Nguyễn Ngọc Khải - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai - cho biết: Ngày 22/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 40/2016/QĐ-TTg cho phép Lào Cai mở rộng quy mô khu kinh tế cửa khẩu gấp đôi hiện nay (từ 7.900ha lên 15.900ha), hình thành thêm các khu phi thuế quan, khu cửa khẩu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị… Đây được coi là bước đột phá mới cho Lào Cai phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giao thương trên Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. “Tương lai cửa khẩu quốc tế Lào Cai sẽ vươn lên đứng đầu trong các cửa khẩu thông thương Việt Nam với Trung Quốc, là địa điểm hấp dẫn thu hút các các thương nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa” - ông Khải nhận định.
Để tận dụng cơ hội, khai thác các lợi thế mới hiệu quả, các nhà hoạch định chính sách cho rằng, tỉnh Lào Cai cần trao đổi với tỉnh Vân Nam để hai bên sớm triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung mà đại diện Chính phủ hai nước đã ký kết ngày 12/9/2016 tại Bắc Kinh. Hiệp định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác, giao lưu thương mại biên giới trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Để sớm triển khai Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung mới, ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - đã đề nghị với lãnh đạo tỉnh Vân Nam phối hợp khảo sát, quy hoạch và mở các cặp chợ biên giới ở các vị trí thuận lợi của mỗi bên nhằm thúc đẩy giao thương; tạo thuận lợi hơn cho các mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào tỉnh Vân Nam qua Lào Cai.
Cùng với đó, Lào Cai cần trao đổi với tỉnh Vân Nam báo cáo Chính phủ hai nước cho kéo dài thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Hà Khẩu) đến 22 giờ (giờ Hà Nội) và 23 giờ (giờ Bắc Kinh) để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước trao đổi hàng hóa. Đồng thời, tăng cường triển khai cơ chế hợp tác các tỉnh, thành phố trên Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cơ chế hợp tác Nhóm Công tác liên hợp các tỉnh Việt Nam có biên giới tiếp giáp tỉnh Vân Nam mà các bên đã ký kết để thúc đẩy liên kết, phát huy lợi thế của mỗi địa phương.