Lan tỏa Luật Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững Hướng tới ngành công nghiệp môi trường bền vững Phát triển ngành công nghiệp môi trường đã có dấu ấn tốt |
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ThS Đàm Thị Lan - Giảng viên Khoa Kỹ thuật môi trường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Công ty CP Năng lượng và Môi trường Bách khoa Hà Nội (BKEET).
Thưa bà, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được xem là cú huých cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam phát triển, vậy cụ thể về lĩnh vực chuyển giao công nghệ xử lý chất thải đã và đang có những bước chuyển biến như thế nào?
Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã góp phần thúc đẩy thị trường chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn, nhu cầu xử lý chất thải bỏ tăng lên, thị trường được mở rộng.
ThS Đàm Thị Lan chia sẻ về những tác động của Luật BVMT 2020 đến ngành công nghiệp môi trường Việt Nam |
Các quy định chặt chẽ về mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp trong thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ của luật đã làm cho doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có ý thức và chủ động hơn trong việc tìm kiếm các công nghệ và đối tác chuyển giao công nghệ, đối tác xử lý chất thải bỏ để đảm bảo các quy định và chế tài theo luật định. Qua đó, nhu cầu về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, thiết bị xử lý chất thải tại Việt Nam tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước và đối tượng khách hàng được mở rộng hơn, từ nhóm khách hàng công (nhà nước, chính quyền các cấp) dịch chuyển sang nhóm khách hàng tư nhân (doanh nghiệp).
Đồng thời, phạm vi áp dụng của các công nghệ xử lý cũng được đa dạng như: Rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế… doanh nghiệp cũng đã chủ động trong việc dự trù và hoạch định ngân sách cho các hạng mục liên quan đến xử lý chất thải bỏ. Đơn cử, trước đây các khách hàng chính của BKEET chủ yếu là các đơn vị, địa phương đặt hàng chế tạo, sản xuất và lắp ráp lò xử lý chất thải với các dải công suất từ 500 – 1.500 kg/1giờ, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu rác thải sinh hoạt của cụm cư dân thì nay các doanh nghiệp sản xuất lớn đã quan tâm hơn đến lĩnh vực này và dành các khoản ngân sách lớn để đầu tư triển khai hệ thống xử lý chất thải bỏ riêng phục cho nhu cầu rác thải công nghiệp.
Cụ thể, BKEET đã thiết kế, chế tạo một số lò có công suất lớn có dải công suất từ 2.000-5.000 kg/h theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường chuyển giao công nghệ xử lý chất thải bỏ có thể mở rộng cả về quy mô và chất lượng trong thời gian tới.
Với các quy định chặt chẽ về mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp trong thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 đề ra, theo bà, đâu là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp?
Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng các quy định này sẽ bị hạn chế phạm vi hoạt động hoặc tăng chi phí so với trước đây dẫn tới giá thành có thể cao hơn trước và buộc phải thích nghi với tình hình mới này, thậm chí có thể sẽ phải dừng sản xuất hoặc thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn lạc quan, thì Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính là động lực để các doanh nghiệp hướng tới sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xây dựng doanh nghiệp bền vững, gắn liền với các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Hiện nhiều dự án xử lý rác thải chậm tiến độ hoặc đầu tư xong không đưa vào sử dụng hay sử dụng không hiệu quả. Theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Theo tôi có 5 nguyên nhân khiến cho công tác triển khai các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, địa phương gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí đánh giá ảnh hưởng tác động môi trường (ATM). Nhiều địa phương đã được phê duyệt chủ trương, chính sách nhưng đến khi tiến hành các nghiên cứu về ATM để lập báo cáo thì có nhiều tiêu chí không đạt được, như vị trí xây dựng - lắp đặt nhà máy xử lý rác không đảm bảo diện tích xây dựng hay khoảng cách an toàn với cụm cư dân gần nhất...
Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất 5000kg/h tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) do BKEET thiết kế, chế tạo và lắp đặt |
Thứ hai, xử lý chất thải không phải là lĩnh vực ưu tiên giải ngân nên ngân sách còn hạn chế và giải ngân nhỏ giọt hoặc gặp khó trong quá trình nghiệm thu để đưa vào hoạt động…
Thứ ba, không có nhân sự và kinh phí vận hành nhà máy cũng là một trong những trở ngại. Hiện định mức giá xử lý chất thải của nhà nước đang thấp hơn so với chi phí thực tế; đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà máy xử lý chất thải không được vận hành thường xuyên với công suất tối đa để mang lại hiệu quả.
Thứ tư, đầu tư rời rạc và còn nhiều bất cập. Theo quy định, quy mô, công suất nhà máy xử lý rác thải và tổng mức đầu tư được chia cho các ban ngành của từng địa phương quyết định mà chưa có sự liên kết giữa các địa phương với nhau để khai thác hiệu quả. Vì vậy mới có chuyện, hai xã cạnh nhau nhưng thay vì sử dụng chung một nhà máy xử lý rác thải và nâng công suất của nhà máy lên thì mỗi xã lại có riêng một nhà máy xử lý công suất nhỏ, “rác của nhà ai mang về nhà đó xử lý”. Điều này gây lãng phí khi chi phí đội lên và nhiều địa phương không đủ căn cứ để chứng minh nhu cầu về xử lý rác thải bỏ dẫn đến không tiếp cận được nguồn ngân sách.
Ngoài ra, sự khác biệt về chất lượng, hiệu quả công nghệ và hiệu suất sử dụng của các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động tại các địa phương chưa đồng đều. Nguyên nhân là do năng lực của các bên cung cấp có sự chênh lệch, dẫn tới có nơi hoạt động hiệu quả, hiệu suất nhưng có những địa phương đầu tư ngân sách lớn nhưng khi đi vào hoạt động thì công nghệ không đáp ứng được, không mang lại hiệu quả như mong đợi khiến cho các địa phương khác rụt rè trong việc xin chủ trương, chính sách để đầu tư nhà máy xử lý chất thải cho người dân. Đây cũng là một trong các lý do khiến các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ gặp khó khăn khi tiếp cận dự án.
Vậy để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường công nghệ xử lý chất thải chúng ta phải có những cơ chế chính sách như thế nào, thưa bà?
Để các nhà đầu tư “mặn mà” tham gia vào thị trường công nghệ xử lý chất thải thì cần phải có những cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích đầu tư cả theo hình thức 100% vốn tư nhân và hình thức đối tác công tư kết hợp (PPP). Đồng thời, tiến hành các nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các đơn vị đã triển khai thực tế và hiệu quả công tác xử lý chất thải bỏ để quy định lại về mức giá trần và giá sàn cho xử lý rác thải bỏ, sao cho mức giá này đủ hấp dẫn nhà đầu tư nhưng cũng không tạo áp lực cho doanh nghiệp hay người dân. Ngoài ra, xử lý rác thải có thu hồi nhiệt cũng là một phần của kinh tế tuần hoàn khi tận dụng lượng nhiệt thu được từ đốt rác phục vụ cho sản xuất nhiệt điện, hơi và sấy công nghiệp hiệu quả. Điều này sẽ giúp tối ưu bài toán kinh tế. Vì vậy, nên có các mô hình thí điểm, chứng minh hiệu quả của kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý rác thải bỏ để tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Theo tôi, rác thải và xử lý rác thải là vấn đề chung của toàn xã hội, và cần sự tham gia của tất cả các bên. Như trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta có “xã hội hoá giáo dục” thì đối với rác thải cũng vậy, cũng cần có các cơ chế mở rộng để mọi thành phần trong xã hội có thể cùng tham gia vào công tác xử lý rác thải một cách hiệu quả.