![]() |
Ảnh minh họa |
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg quy định cụ thể vể trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Và, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên trong cả nước chuyển đổi thành công ty cổ phần. Sau đó là sự... lặng im. Gần đây, tiến trình CPH đơn vị sự nghiệp công lập mới bắt đầu khởi động lại khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho một số địa phương chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần giai đoạn 2016- 2020, ví dụ: Bạc Liêu 9 đơn vị, Đà Nẵng 4 đơn vị...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 5.046 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, khối địa phương có 4.387 đơn vị; khối bộ, ngành 636 đơn vị; khối tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước 41 đơn vị.
Đáng chú ý, chỉ có khoảng 3% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động. Hầu hết các đơn vị đều được ngân sách nhà nước “nuôi” với số tiền không nhỏ hàng năm, ví dụ: Bộ Giao thông Vận tải hơn 400 tỷ đồng, Hà Nội hơn 6.000 tỷ đồng, Phú Thọ 1.500 tỷ đồng... Một nguồn lực lớn tại sao không xã hội hóa để mang lại những hiệu quả cao hơn?
Câu hỏi đặt ra: Việc CPH đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhưng cản ngại gì?
Theo các chuyên gia, cản ngại lớn nhất là... tư duy. Đa số đơn vị sự nghiệp công lập lo ngại khi chuyển sang công ty cổ phần, tham gia thị trường, rất khó cạnh tranh để tồn tại... Do đó, đa phần ỷ lại sự bao cấp của nhà nước, trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.
Một cản ngại nữa cũng chính trong tư duy của không ít nhà quản lý: Nhà đầu tư sẽ thâu tóm “đất vàng”. Không ít ý kiến cho rằng, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập nắm giữ những vị trí đất rất đẹp, rất rộng, nếu không có chế tài yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình CPH, “đất vàng” sẽ bị chuyển thành bất động sản...
Sự thành công của việc CPH Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương có vẻ chưa đủ sức thuyết phục, chưa giúp gỡ bỏ các cản ngại, cần có thêm nhiều mô hình thành công nữa. “Bánh xe” CPH đơn vị sự nghiệp công lập không thể dừng lại. Vấn đề là phải vượt qua các cản ngại, thay đổi tư duy của chính các đơn vị và cơ quan chủ quản. Đặc biệt, phải tìm được các nhà đầu tư có “tâm” và có “tầm”.