Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Thông tin tại hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 vào chiều ngày 7/12, Bộ TN&MT cho biết, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới kèm theo các tuyên bố chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp, hướng tới đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ. Đây là lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ. Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp; đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu và ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi nước ta phải tham gia sâu, thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Việt Nam nhanh chóng thực hiện những cam kết của mình tại COP26 |
Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái. Các nước phát triển chưa đạt được cam kết loại bỏ hoàn toàn điện than, sớm thoát khỏi các nguồn nhiên liệu hoá thạch khác như dầu và khí, đồng thời phải tăng đóng góp tài chính trong khi phải phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid.
Tại hội nghị, nhiều nền kinh tế lớn đưa ra cam kết tài chính mới. Mỹ và Nhật Bản đều tuyên bố đóng góp 10 tỷ USD trong 5 năm tới, Ý cam kết đóng góp 1,4 tỷ USD mỗi năm…; hơn 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính (quản lý vốn tới 130.000 tỷ USD) đã cam kết sử dụng quỹ của họ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đoàn cấp cao của Việt Nam đã tham gia và phát biểu tại các phiên họp quan trọng của COP26 như Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH; các sự kiện công bố cam kết giảm phát thải mê tan toàn cầu, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…; có nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt của Việt Nam với các nước, đối tác trên thế giới.
Việc cam kết đưa phát thải ròng về 0 và tham gia cam kết giảm phát thải mê tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn, cam kết hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện cam kết sau hội nghị.
Nhanh chóng thể chế hóa hành động
Để thực hiện cam kết, ngay sau khi hội nghị kết thúc, Bộ TN&MT đã họp với đơn vị liên quan chuẩn bị các công việc, tận dụng cơ hội chuyển mô hình tăng trưởng đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Một số công việc Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện trong thời gian tới là: Ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn; xây dựng Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, quy định của các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định cấp lĩnh vực để triển khai thực hiện. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện Thoả thuận Paris của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris”, lãnh đạo Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT sẽ xây dựng Đề án nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về BĐKH; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH và phát triển năng lượng tái tạo. Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Đồng thời, hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết.
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT - cho biết, các hành động triển khai sẽ được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp lý. Đây là cơ sở quan trọng thể hiện sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động. Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, còn một số thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay, đó là: Việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lực trong nước còn yếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng Việt Nam khó tiếp cận do vướng cơ chế, thủ tục hành chính.