Ngày 5/6, Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn (mã chứng khoán: SGS) nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Văn Hưởng. Đến ngày 10/6, Công ty này tiếp tục nhận đơn từ nhiệm của bà Dương Thị Kim Kiều - Thành viên Ban kiểm soát Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn.
Trong ngày 14/6, 2 thành viên Hội đồng quản trị của Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn cũng có đơn từ nhiệm là bà Huỳnh Như Ý và ông Lê Minh. Ngày 17/6, ông Phạm Văn Hưởng tiếp tục có đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị. Và ngày 28/6, ông Nguyễn Văn Long cũng có đơn từ nhiện chức vụ thành viên Hội đồng quản trị.
Hàng loạt lãnh đạo Công ty Vận tải biển Sài Gòn xin từ nhiệm (Ảnh minh hoạ). |
Tuy nhiên, theo Biên bản số 02/BB-ĐHĐCĐ-SSC về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 ngày 10/7 của Công ty Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn, chỉ có tờ trình miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Minh được thông qua với tỉ lệ 99,82%.
Trong khi đó, các tờ trình miễn nhiệm còn lại không được thông qua do tổng số tờ phiếu tán thành thấp hơn 65% tổng số biểu quyết của cổ đông dự họp.
Cụ thể, tờ trình miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị với bà Huỳnh Thị Như Ý không được thông qua do tổng số tờ phiếu tán thành chỉ chiếm hơn 41,7% tổng số biểu quyết của cổ đông dự họp. Tương tự, tờ trình miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị của ông Phạm Văn Hưởng và ông Nguyễn Văn Long cũng không được thông qua khi tổng số tờ phiếu tán thành lần lượt chỉ chiếm 41,67% và 58,7%.
Hay tờ trình miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát đối với bà Dương Thị Kim Kiều cũng chỉ nhận được tổng số phiếu tán thành chiếm 58,7% tính trên tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp.
Liên quan đến biến động nhân sự, Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn đã thay đổi Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật từ ông Phạm Văn Hưởng thành ông Nguyễn Ngọc Thiện từ ngày 1/7.
Mới đây, ngày 12/7, ông Phạm Minh Anh, Kế toán trưởng - Trưởng phòng Tài chính và Đầu tư cũng đơn xin nghỉ việc tại Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn từ ngày 21/8. Lý do xin nghỉ việc được ông Anh đưa ra gia đình và cá nhân ông có kế hoạch thay đổi chỗ ở, công việc.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn đạt 7,6 tỷ đông, giảm 34,6% so với con số 11,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về việc giảm mạnh lợi nhuận, Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đại lý, kho, bãi giảm. Đồng thời, lợi nhuận khác cũng giảm gần 68 triệu đồng, thuế TNDN giảm 893 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty Vận tải biển Sài Gòn được thành lập năm 1981. Đến năm 1999, công ty được chọn để xây dựng Đề án cổ phần hóa theo Quyết định số 3171/QĐ-UB-KT của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2004, công ty là Công ty con trực thuộc Công ty Mẹ - Tổng Công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO). Cũng trong năm này, Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn được thành lập theo quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc chuyển đổi Doanh nghiệp Nhà nước Công ty Vận tải biển Sài Gòn thành Công CP Vận tải biển Sài Gòn. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là thương mại dịch vụ. Tới thời điểm hiện tại, công ty có vốn điều lệ là 144,2 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn có 2 cổ đông lớn là Tổng Công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHHMTV (SAMCO) là cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn. SAMCO kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải chất lượng cao.
Cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu chiếm 37,42% vốn. Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu cung cấp dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường không, vận tải đa phương thức với hệ thống chi nhánh bao phủ khắp các thành phố, sân bay, cảng biển lớn ở Việt Nam.