Áp dụng SXSH, tận dụng được 60% nguyên liệu dư thừa.
CôngThương - Công ty TNHH Đức Phong, chuyên sản xuất mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, với các mặt hàng đặc thù như: Các loại đèn, hộp đựng đồ, giỏ đựng trái cây, đồ dùng gia dụng... Sản phẩm được tiêu thụ chính ở các nước châu Âu, châu Á.
Trong quá trình chế biến, tỷ lệ hư hại do mối, mọt là 10%, tương đương 300 tấn tre/năm, với trị giá thiệt hại lên đến 900 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vào mùa mưa, bão, thời tiết ẩm thấp, nếu nguyên liệu dự trữ để những nơi không có hệ thống mái che, đậy, hàng bị mốc sẽ xuất hiện bụi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, công ty không có các máy móc, thiết bị cần thiết, như: Máy chẻ có kích cỡ định hình nên lượng ruột tre bị vứt bỏ không sử dụng được tới 90%; không có phòng phun sơn cách ly, vì vậy, trong quá trình sơn dung môi độc hại như tôluen, azitilen... bay ra, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhất là công nhân sản xuất trực tiếp.
Được sự giúp đỡ của Bộ Công Thương thông qua CPI và tư vấn kỹ thuật của VNCPC đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty, lợi ích thu được trong hơn 1 năm đạt trên 5 tỷ đồng. Đặc biệt, giảm thất thoát nguyên liệu và giảm bụi phát tán ra môi trường xung quanh.
Ông Thái Đại Phong- Giám đốc Công ty mây tre đan Đức Phong- nhớ lại: Trước khi thực hiện SXSH, công ty gặp một số vướng mắc như: Nguyên liệu dư thừa quá nhiều; một số sản phẩm dễ bị mối mọt; khí thải có vấn đề; phòng phun sơn không được đầu tư, nên bụi sơn, mùi sơn lan tỏa vào không khí; khí lưu huỳnh khi sấy không xử lý… ảnh hưởng khá lớn đến công nhân trong nhà máy và dân cư lân cận.
Khi tham gia dự án, công ty đã áp dụng các giải pháp để xử lý dư thừa mây tre. Trước khi áp dụng, số dư thừa của nguyên liệu lên đến 90%; sau khi áp dụng, tận dụng được 60% nguyên liệu dư thừa để tái sản xuất. Mỗi năm làm lợi cho công ty gần 900 triệu đồng. Nếu như trước đây, cây tre chỉ sử dụng được phần vỏ, thì sau khi áp dựng giải pháp này, phần ruột đã được làm thành các giỏ trồng cây và xuất khẩu sang Thụy Điển.
Tiếp đến, công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống phun sơn để giảm thiểu vấn đề môi trường. Được sự hỗ trợ của hợp phần, công ty đã đầu tư 2 ca bin phun sơn bằng tháp nước (tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, công ty được hợp phần hỗ trợ 1tỷ 380 triệu đồng). Thực hiện giải pháp này, công ty đã giải quyết khá tốt vấn đề môi trường. Công ty tiếp tục làm phòng bảo ôn và phòng xử lý lưu huỳnh. Xử lý được lưu huỳnh, công ty đã cơ bản giải được bài toán về môi trường.
Ông Phong nhấn mạnh: Phải chú trọng vấn đề môi trường trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Áp dụng SXSH không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn xây dựng và khẳng định thương hiệu cho doanh nghiệp.