Công ty Nhiệt điện Uông Bí - thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) - hiện đang quản lý, vận hành 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí với tổng công suất 630 MW. Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh ngay từ những ngày đầu tiên, có thể khẳng định, công ty đã phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường điện.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí |
Từ tháng 5/2016, Công ty Nhiệt điện Uông Bí được tách ra khỏi EVNGENCO1, và tính đến hết năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất của công ty được 18.484 triệu kWh với tổng doanh thu trên 25.653 tỷ đồng. Riêng năm 2021, nếu không tính sản lượng điện ngừng máy công ty sản xuất được 3.682 triệu kWh/3.773 triệu kWh, đạt 98% kế hoạch sản lượng điện theo kế hoạch Bộ Công Thương giao, mang lại tổng doanh thu bán điện năm 2021 là 4.621,428 tỷ đồng, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ đó, doanh thu bán điện tăng thêm khi tham gia thị trường điện cạnh tranh đạt 80,08 tỷ đồng.
Ông Đỗ Trung Kiên - Quyền Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí - cho biết: Để thực hiện tốt công tác thị trường điện, công ty đã xây dựng chiến lược vận hành tối ưu theo diễn biến của thị trường, lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp với tình trạng thiết bị và phương thức vận hành, chào giá hợp lý, qua đó nâng cao được doanh thu và lợi nhuận của công ty. “Đặc biệt, công ty lên kế hoạch phân bố Qc từng tháng để đảm bảo vận hành các tổ máy theo tình trạng thiết bị, giảm sự cố và gia tăng các chỉ tiêu thị trường điện do Tổng công ty, Bộ Công Thương giao” - ông Kiên cho biết.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp công ty nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Theo đó, công ty đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm thị trường, kế hoạch, cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành…để đáp ứng được yêu cầu của công việc cũng như giải quyết nhanh, kịp thời sự cố, phát sinh trong quá trình vận hành. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư, đáp ứng tốt các yêu cầu để vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Cụ thể, công ty đã triển khai sử dụng công nghệ điều khiển số, điều khiển tự động, giám sát từ xa hệ thống điều khiển DCS, PLC… giúp đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Cũng theo ông Đỗ Trung Kiên, năm 2022 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn đối với các nhà máy nhiệt điện khi mà nguồn cung cấp than gặp khó. Thêm vào đó, do công ty phải sử dụng nguồn than 5a.1, đây là loại than được pha trộn giữa nguồn than trong nước và than nhập khẩu và loại than này khác với loại than thiết kế cho các tổ máy của công ty, do đó lực lượng vận hành phải thực hiện hiệu chỉnh chế độ cháy của các tổ máy liên tục để giảm thiểu hiện tượng đóng xỉ, chảy xỉ lỏng, hạn chế tình trạng xỉ đóng tảng lớn rơi làm bục ống sinh hơi, kéo dài chu kỳ vận hành cho các tổ máy.
“Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội của thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận, vượt qua những thách thức của các đối thủ cạnh tranh doanh nghiệp tự phải đổi mới, đặc biệt nâng cao trình độ kỹ thuật đối với lực lượng quản lý thiết bị và công ngệ thông tin, để có thể giảm chi phí sản xuất điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng và sự sẵn sàng của các tổ máy đáp ứng yêu cầu của của thị trường” - ông Đỗ Trung Kiên khẳng định.