Lọc hóa dầu Bình Sơn tuyên dương con cán bộ công nhân viên đạt thành tích cao trong năm học 2021 - 2022 |
“Biệt đội” nhập dầu thô là cái tên thân thương, gần gũi được đặt cho Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và những cán bộ làm nhiệm vụ đưa dầu về nhà máy, đảm bảo cho nhà máy vận hành, sản xuất ổn định.
Không làm việc trực tiếp trong nhà máy lọc dầu Dung Quất, “biệt đội” này “đóng quân” tại cảng để làm nhiệm vụ chuyên biệt là đưa những chuyến dầu thô được nhập từ nước ngoài, hoặc đưa từ các giàn khoan về nhà máy. Bởi vậy, những kỹ sư của Ban quản lý cảng biển được xem như những người lính ngoài biên ải của BSR.
Nhân sự của BSR trên tàu Mercury |
Cuối tháng 8, biển Quảng Ngãi xanh trong đến nỗi nhìn thấy từng đàn cá lìm kìm bơi tung tăng ở tầng nước phía dưới cầu cảng. 13 giờ, tiếng còi rền vang, một loạt tàu và canô khởi động chân vịt, tung bọt trắng xóa trên mặt biển lấp loáng nắng.
Những con tàu khổng lồ tiếp thêm nguồn sống
Ở Dung Quất, mỗi lần nhập dầu, có ít nhất 3 tàu dịch vụ và một canô cùng hàng chục nhân sự tham gia. Ở phía ngoài khơi xa, con tàu Mercury khổng lồ đang chờ sẵn để được hỗ trợ tiếp cận phao rót dầu không bến SPM.
Bên cạnh đó, con tàu PTSC Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội 02 - công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và thành công của Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - là một trong 3 tàu dịch vụ mà BSR ký hợp đồng thuê để thường xuyên hỗ trợ nhập dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự điều phối của nhân sự BSR.
Đi chừng 1 giờ đồng hồ, tàu Mercury hiển hiện đằng xa với chiều cao như một tòa nhà cao tầng. Đây là tàu dầu lớn nhất do Việt Nam tự đóng, tải trọng 104.000 tấn, dài 245m, rộng 43m, cao 20m, mớn nước 11,7m, vận tốc trung bình 14,7 hải lý/giờ.
Tiếng bộ đàm vang lên với giọng của Nguyễn Hoàng Hoạt, người điều phối chính cho hoạt động nhập dầu: “02 tiếp cận tàu dầu nào, hỗ trợ tiến về phao SPM nhé”. Nghe điều phối, tàu PTSC Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội 02 đẩy thẳng mũi vào tàu Mercury để chỉnh hướng, tiếng lốp cao su chống va chạm hai bên mạn tàu va vào nhau ken két. Được 2 tàu 2 bên ép vào mạn chỉnh hướng, tàu Mercury lầm lũi tiến về phía phao SPM.
Chuẩn bị lắp ống bơm dầu |
Được sơn màu vàng nổi bật trên nền biển xanh, phao SPM là một tổ hợp cơ khí nặng 360 tấn, cao 10m, để nối từ phao rót dầu đến tàu chở dầu thô. Phao bơm có công suất bơm khoảng 6.000m3 dầu thô mỗi giờ. Với lượng dầu của tàu Mercury chở theo lần này, sẽ mất tối đa 30 giờ để bơm hết dầu, bao gồm cả công tác cập tàu, đấu nối ống và bơm hàng.
Sau khi tiếp cận được tàu Mercury, tàu dịch vụ lai kéo hai ống dầu khổng lồ từ phía phao SPM lên trên boong tàu Mercury với khoảng 10 người tham gia. Từ phao SPM, dầu thô sẽ đi ngầm dưới biển 3,2km, đi ngầm trên đất liền 1,2km trước khi bơm vào 8 bể dầu thô của nhà máy - là khâu đầu tiên trong rất nhiều công đoạn phức tạp để sản xuất xăng dầu.
Ấn tượng hơn 1.100 chuyến dầu
86.000 tấn dầu do tàu Mercury chở lần này (ngày 21-8-2022) là chuyến dầu thứ 1.102 mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhập thành công, an toàn. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện được 1.102 chuyến nhập hàng thành công là một quá trình rất phức tạp, đi từ không đến có nhiều đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Ban Quản lý cảng biển BSR.
Kể về quá trình đào tạo nhân sự, anh Phan Đông Hải (nguyên trưởng Ban Quản lý cảng biển BSR) chia sẻ, khi nhập chuyến dầu đầu tiên để chạy thử, các chuyên gia đánh giá năng lực đội ngũ vận hành cảng biển của BSR chỉ… bằng 0%. Bởi lẽ, nhân sự hầu hết là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp trên biển.
Sau đó, anh Hải cùng đồng nghiệp về lập phương án, nghiên cứu mọi yếu tố rủi ro của thời tiết và rút ra những bài học kinh nghiệm sau lần nhập dầu đầu tiên. Tuy quy trình chưa hoàn thiện, nhưng sau 3 chuyến nhập dầu thành công, nhà thầu Technip đồng ý giao cho BSR chịu trách nhiệm vận hành phao SPM trong giai đoạn chạy thử. Ngay lập tức, mọi người trong Ban Quản lý cảng biển BSR tự hoàn thiện kỹ năng, trình độ của mình bằng nhiều phương pháp.
Thời điểm ấy, mỗi khi làm việc, tác nghiệp, anh em sẽ ghi chép, quay phim lại đầy đủ để về đất liền... “mổ băng”. Từ những tài liệu đó, anh Hải đã chỉ rõ cho anh em biết chỗ nào chưa được, chỗ nào cần phát huy, chỗ nào còn mất an toàn. Chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, nhiều người đã có thể đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao.
Tàu Mercury trên vịnh Việt Thanh |
Sau hơn 13 năm, kỹ thuật, phương pháp của BSR ngày càng sáng tạo giúp giảm thời gian nhập dầu, tiết kiệm chi phí, ít bị tác động hơn từ điều kiện thời tiết. Với mỗi chuyến dầu thông thường cho một tàu cỡ trung bình mất 36-40 giờ, nhưng tại BSR chỉ khoảng 24-30 giờ. Thời gian đấu nối ống dầu được cải thiện từ 10-12 giờ xuống chỉ còn 4-6 giờ.
Từ người học, các chuyên gia của BSR ngày càng dày dặn hơn và còn đào tạom chuyển giao công nghệ nhập dầu cho những nhà máy khác. Năm 2017, chuyến nhập dầu đầu tiên phục vụ việc chạy thử của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng do nhân sự BSR “đạo diễn”. Thời tiết trước đó không thuận lợi, con tàu chở theo 270.000 tấn dầu đã phải chờ ngoài khơi Thanh Hóa nhiều ngày, nhưng đã được vận hành xuôn xẻ nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của kỹ sư BSR, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất liên tục của các nhà máy lọc dầu.