Trước hết, phải kể đến giải pháp "Tinh chỉnh và tối ưu các thông số vận hành Phân xưởng PRU (Propylene Recovery Unit) nhằm tối đa thu hồi sản phẩm propylene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất cao 110 - 115% thiết kế" đã được BSR đưa vào áp dụng cuối năm 2017. Theo đó, propylene là 1 trong 10 sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, được sản xuất từ Phân xưởng PRU, khi chạy công suất cao hơn thiết kế (khoảng 110 - 115%) làm quá tải tháp Propan/Propylene Splitter, dẫn đến giảm độ thu hồi sản phẩm propylene (khoảng 93% trước khi tinh chỉnh). Sau khi theo dõi, thống kê, phân tích số liệu mất mát propylene, nhóm tác giả đã đưa ra được các giải pháp tinh chỉnh kịp thời. Kết quả, giúp nhà máy giải quyết được thiếu hụt nguồn propylene nguyên liệu, Phân xưởng PRU vận hành ổn định với độ tin cậy cao.
Kỹ sư Hồ Quang Xuân Nhàn - Chủ biên sáng kiến - cho biết: Trong suốt quá trình thực hiện, nhiều thời điểm khi nguyên liệu đầu vào thay đổi đột ngột, lưu lượng LPG đầu vào và propylene mất mát tăng vọt, để có số liệu thống kê đầy đủ, các phòng, ban liên quan phải lấy, phân tích mẫu với tần suất rất dày nhưng vẫn bảo đảm kết quả phân tích mẫu chính xác để điều chỉnh hiệu quả, kịp thời. Đặc biệt, sau một năm áp dụng, lợi nhuận mà giải pháp này mang lại đạt 800.000 USD, tương đương 17 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, giải pháp còn giúp BSR không tốn chi phí mua propylene từ bên ngoài, góp phần giúp Phân xưởng polypropylene đạt chỉ tiêu sản lượng.
Một sáng kiến khác cũng đã mang lại cho BSR lợi ích về kinh tế rất lớn, đó là sáng kiến "Nghiên cứu tách dầu nhũ hóa bền trong nước chua tại phân xưởng SWS". Theo đó, hiện tượng nhũ hóa bền trong nước tại NMLD Dung Quất chưa từng xảy ra tại các NMLD tương tự trên thế giới. Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, giải pháp "Nghiên cứu tách dầu nhũ hóa bền trong nước chua tại Phân xưởng SWS" đã ra đời, áp dụng thành công, giải quyết được các vấn đề kỹ thuật ở phân xưởng SWS.
Giải pháp mà nhóm tác giả đưa ra là sử dụng kết hợp các phương pháp tách vật lý để có thể phá nhũ bền dầu trong nước mà phương pháp hóa học thông thường sử dụng chất phá nhũ không cho hiệu quả như mong đợi. Kỹ sư Lê Quốc Việt - đại diện nhóm tác giả - cho biết: Chúng tôi đã thực hiện các thử nghiệm để đánh giá khả năng tách dầu bị nhũ hóa bền trong nước chua bao gồm sử dụng hóa chất phá nhũ; phun LGO vào nước chua để tăng khả năng trích ly dầu bị nhũ hóa ra khỏi nước chua; phun N2 vào nước chua để làm giảm áp suất riêng phân khí hydrocarbon hòa tan để nâng cao khả năng tách; sử dụng TK-1801 làm bể đệm để tăng thời gian lưu của nước chua… Với việc thử nghiệm và áp dụng thực tế thành công, từ năm 2015 đến nay, giải pháp đã làm lợi 6,1 tỷ đồng/năm, bởi giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa và lượng hơi nước tiêu thụ.
Hai giải pháp của BSR đã được áp dụng và mang lại giá trị trên 23 tỷ đồng mỗi năm cho BSR. Đây có thể coi là bước phát triển tiếp theo trong việc áp dụng sáng kiến, giải pháp KHCN vào sản xuất tại BSR. Bên cạnh đó, góp phần khẳng định tầm cao của chất xám Việt, các chuyên gia, kỹ sư, công nhân tại NMLD Dung Quất đã tự làm chủ KHCN lọc hóa dầu, từng bước vươn mình ra thế giới. |