Từ mục tiêu “trạm biến áp không người trực”
Hơn 4 năm trước, Thủ tướng đã ký quyết định 1670/2012 phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh với mục tiêu để Việt Nam có được lưới điện thông minh với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả….
Không lâu sau, một Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương về phát triển lưới điện thông minh đã được thành lập. Nhưng cũng phải đến tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương mới ký quyết định phê duyệt đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh nhằm triển khai các định hướng của Chính phủ.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), những chủ trương và cả những động thái thực tế nhằm từng bước hiện đại hóa công tác quản lý điện đã được ban lãnh đạo Tổng công ty vạch ra từ nhiều năm nay.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc triển khai đề án xây dựng trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) và trạm biến áp không người trực (TBAKNT), được lãnh đạo Tổng công ty chính thức phê duyệt từ đầu 2016. Theo đề án, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thành lập 27 TTĐKX tại 27 công ty điện lực thành viên trên cơ sở tổ chức lại các phòng điều độ và bổ sung thêm chức năng điều khiển xa (ĐKX) các thiết bị trên lưới điện phân phối, cơ bản chuyển các TBA 110kV của Tổng công ty sang chế độ vận hành không người trực.
Theo đề án, trong hai năm 2016-2017, NPC sẽ xây dựng 11 TTĐKX tại các công ty điện lực: Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sơn La. Trong đó NPC làm chủ đầu tư xây dựng 8 TTĐKX tại: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên. Còn các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình tự thực hiện dự án.
Năm 2018 NPC đặt mục tiêu xây dựng thêm 8 TTĐKX tại: Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ. Năm 2019: Xây dựng thêm 03 TTĐKX: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái. Năm 2020: Xây dựng thêm 05 TTĐKX: Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang.
Phó trưởng Ban kỹ thuật của EVN NPC, ông Triều Đông cho hay, đối với các trạm biến áp 110 kV đóng điện mới sẽ xây dựng đáp ứng luôn các tiêu chí trạm không người trực. Đối với các trạm biến áp đủ điều kiện thao tác xa và vận hành không người trực mà chưa có TTĐK thì đơn vị tạm thời bố trí lực lượng vận hành trạm. Sau khi xây dựng TTĐK thì sẽ chuyển sang thao tác xa và vận hành không người trực.
“Các trạm biến áp không người trực là giải pháp tối ưu cho hệ thống điện vì nó được quản lý vận hành tự động, nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa nhân lực; giảm thiểu đầu tư cáp, các thiết bị trung gian, nâng cao độ tin cậy làm việc chính xác của thiết bị, bảo đảm cung cấp điện an toàn liên tục, giải quyết được vấn đề quá tải; giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, nâng cao mức độ an toàn cho người vận hành và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện”, ông Nguyễn Triều Đông nói.
Đến những “vị trọng tài thông minh”
Trong nỗ lực hiện đại hóa lưới điện, ngành điện, việc phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; nghiên cứu mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện cũng luôn được EVN NPC chú trọng đầu tư.
Phó trưởng ban Kinh doanh của EVN NPC Nguyễn Đức Mạnh, cho hay năm 2014 Tổng công ty cho phép sử dụng 200 nghìn công tơ điện tử đo xa, sau đó bổ sung thêm 100 nghìn chiếc. Tính từ 2014 đến nay, Tổng công ty đã lắp đặt được hơn 1 triệu công tơ điện tử trong tổng số trên 9,2 triệu công tơ mà đơn vị đang quản lý. Mỗi năm phấn đấu đầu tư thêm khoảng 500-600 nghìn công tơ. Ước tính đến năm 2023-2025 toàn bộ công tơ sẽ được thay thế bằng công tơ điện tử. Trước mắt, NPC đặt ra mục tiêu năm 2018 lắp xong công tơ điện tử ở tất cả các thành phố, thị xã trong tổng số 27 tỉnh thành công ty quản lý. Những công tơ cơ được thay thế sẽ tiếp tục được sử dụng bằng cách chuyển về những khu vực chưa có điều kiện lắp đặt công tơ điện tử.
Cũng theo ông Mạnh, với loại công tơ này, công nhân đi đọc số điện thay vì phải bắc thang trèo lên cột, thì chỉ cần sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay là có thể đọc được chỉ số từ 50 -100 m. Cũng chính vì không phải trèo lên cột điện nên đã tránh được tai nạn lao động vốn vẫn xảy ra như nhiều năm trước.
Đặc biệt, trong 2016, Tổng công ty đã mua thêm hơn 400 nghìn công tơ điện tử với tính năng hiện đại hơn hẳn khi có khả năng “đo đếm tự động tập trung”. “Khi sử dụng hệ thống này, tất cả dữ liệu, số liệu của công tơ đều truyền về trung tâm, người quản lý có thể đọc bất kì lúc nào. Ví dụ như ngồi ở nhà, người quản lý chỉ cần có mã số, mật khẩu là đọc được chỉ số công tơ của khách hàng khu vực đó đang như thế nào, có bị yếu tố bên ngoài tác động vào công tơ hay không, cho nên công tác quản lý rất nhàn”, ông Mạnh cho hay.
Đặc biệt, cùng với những lợi ích nói trên của công tơ điện tử đo xa, với sự chính xác tuyệt đối, những chiếc công tơ này đã trở thành những “vị trọng tài thông thái và công bằng”, đảm bảo tính công bằng cho cả người mua lẫn người bán điện.
Bên cạnh đó, những chiếc công tơ điện này còn mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng dùng điện với tính năng cảnh báo. Trong trường hợp hệ thống điện trong nhà không may bị rò rỉ, gây thất thoát và tiềm ẩn mất an toàn, hệ thống cảnh báo trên công tơ sẽ hoạt động và người dân hoàn toàn có thể phát hiện bằng mắt thường. Ngoài ra, loại công tơ này cũng sẽ có cảnh báo ngay về hệ thống điều khiển của điện lực, nhờ đó có thể phát hiện kịp thời, giảm tổn thất điện năng cho khách hàng nói riêng và ngành điện nói chung.
Đại diện Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho hay: Đến nay, công ty điện lực Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc lắp đặt công tơ điện tử RF cho toàn bộ khách hàng sau các trạm biến áp công cộng khu vực thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên với tổng số 58.900 công tơ điện tử RF đang vận hành, đồng thời thực hiện đo xa tự động hoàn toàn với khối lượng công tơ trên đạt kết quả tốt.
“Chúng tôi đã giảm được tối đa số lượng ý kiến thắc mắc của khách hàng sử dụng điện do có thể cùng tham gia chứng khiến, giám sát việc ghi chỉ số bằng HHU với công nhân ngành điện tại hiện trường. Cụ thể là có đợt nắng nóng, sản lượng điện sinh hoạt tăng cao tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên – khu vực đã lắp công tơ RF nhưng ghi nhận rất ít số ý kiến thắc mắc về chỉ số công tơ của khách hàng”, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc cho biết.
Đấu thầu mua sắm công tơ điện tử đúng quy định, đảm bảo chất lượng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa phát đi thông cáo báo chí về việc mua sắm và chất lượng công tơ điện tử trong năm 2016. Đây là động thái mới nhất của Tổng công ty trước các thông tin về chất lượng công tơ điện tử được báo chí đăng tải trước đó. EVNNPC khẳng định từ việc xây dựng Hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu đến kiểm định chất lượng công tơ đều được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, về Hồ sơ mời thầu, EVNNPC cho biết, xuất phát từ nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2016 Tổng công ty đã tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ từ xa. Hồ sơ mời thầu đã xác định rõ ràng hàng hóa của gói thầu chính là cả hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa, mà trong đó công tơ điện tử chỉ là một phần trong phạm vi cung cấp hàng hóa của gói thầu. Với những yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu, chỉ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn toàn diện đối với hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR như phần mềm, thiết bị truyền thông và công tơ điện tử mới đáp ứng đươc. Yêu cầu kỹ thuật đối với công tơ điện tử trong Hồ sơ mời thầu hoàn toàn tuân thủ quy định về yêu cầu kỹ thuật công tơ điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |