Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/8: Bỏ các chất nguy hiểm trong sản phẩm tiêu dùng
Công Thương và công luận 09/08/2022 11:34
Báo điện tử VietnamNet có bài “3 sản phẩm chứa chất cấm, không được phép lưu thông ở Việt Nam”.
Nội dung bài báo đăng, 3 sản phẩm mỹ phẩm ghi "Made by UK" chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép, thành phần công thức sản phẩm ghi trên nhãn có chứa chất Hydroquinone 2% - là chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định.
Đó là sản phẩm Dr Therapy Melasma-Best for spa Night cream, NSX: 16/5/2022; HSD 16/5/2025; Dr Therapy Melasma - Best for spa Day cream, NSX: 16/5/2022; HSD: 16/5/2025; Dr Therapy Melasma - Cream Perfect for spa, NSX: 05/01/2021; HSD: 04/01/2024 không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm với thông tin nêu trên và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
“Campuchia sẽ kiểm tra mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam” là bài viết được đăng trên trang nhất Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh sáng nay.
Tác giả bài báo dẫn thông tin từ Bản tin thị trường của Thương vụ Việt Nam tại Campuchia (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (EO), các cơ quan Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất này.
Theo ông Phan Oun, thành viên của Chính phủ, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận, động thái này diễn ra sau khi một số nước EU cảnh báo một số loại mì Việt Nam. Theo đó, nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi. Đồng thời Tổng cục Hải quan sẽ chỉ đạo cơ quan hải quan các địa phương phân loại những loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro và cần có giấy chứng nhận không chứa chất ethylene oxide đối với mì nhập khẩu trong thời gian tới.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/8: Bỏ các chất nguy hiểm trong sản phẩm tiêu dùng |
Cũng về nội dung thời hạn loại bỏ các chất nguy hiểm trong một số sản phẩm tiêu dùng sáng nay Thời báo Tài chính Việt Nam có bài “EU thay đổi quy định kiểm soát hoá chất trong hàng dệt may, đồ gỗ”.
Bài báo đăng, Bộ Công Thương cho biết, thời hạn loại bỏ các chất nguy hiểm trong một số sản phẩm tiêu dùng (đồ dùng trẻ em, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ nội thất, quần áo...) sẽ được đưa vào quy định mới liên quan đến kiểm soát hóa chất dự kiến được Uỷ ban châu Âu (EU) thông qua trong đầu năm 2023.
Cũng theo Bộ Công Thương, Thụy Điển và 7 quốc gia khác là Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Na Uy, Tây Ban Nha và Áo đã ký thư kêu gọi Uỷ ban châu Âu (EC) ấn định thời gian các hoá chất nguy hiểm phải được loại bỏ dần khỏi các sản phẩm tiêu dùng.
Về năng lượng, Báo Đầu tư có bài “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Quốc sách cần tiếp thêm “nhiên liệu”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi, để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đáng chú ý, Nghị quyết 55-NQ-TW yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia; Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm tổng kết, rà soát Luật Điện lực và các luật có liên quan để trình Quốc hội sửa đổi những nội dung còn bất cập…
Được biết, ngày 18/5/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 2682/BCT-TKNL về việc khảo sát, đánh giá thực thi và xây dựng định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.