Xuất nhập khẩu là một chủ đề được nhiều báo chí quan tâm.
Mặc dù gặp khó khăn trong xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc, hàng nông sản Việt Nam đã gia tăng thị phần tại nhiều thị trường khác, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Đây là nội dung của bài báo “Xuất khẩu trái cây Việt gia tăng tại nhiều thị trường” của VTV News. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), riêng sản lượng nông nghiệp dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm nay và có những sự đóng góp tích cực của mặt hàng trái cây. Việc được cấp phép xuất khẩu hoa quả tươi vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia và Nhật Bản... không chỉ đem lại nguồn thu mà còn góp phần khẳng định uy tín, chất lượng và vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Lĩnh vực công nghiệp cũng là một chủ đề được báo chí đề cập tới trong ngày 8/4. Trong đó có bài phản ánh của báo VOV về tình trạng “Thép tăng giá, ngành đóng tàu vắng khách”. Bài báo chỉ ra việc giá thep tăng cao nhất so với vật liệu khác, đã gây khó khăn cho ngành xây dựng. Đặc biệt ngành đóng đóng tàu sắt tại tỉnh Tiền Giang đang vắng khách, nhiều doanh nghiệp đóng tàu đang gặp khó khăn vì chưa có hợp đồng mới.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thời báo Tài chính có bài “Trình chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời”. Theo tác giả bài báo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, Bộ Công thương đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về viêc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời.
Lĩnh vực tiêu dùng luôn là đề tài được quan tâm trên các phương tiện truyền thông. Trên báo Tuổi trẻ có bài “Bộ Công thương lấy mẫu kiểm tra kẹo trứng Kinder Surprise bán tại Việt Nam”, đưa tin về việc loại kẹo này bị phát hiện nhiễm khuẩn tại châu Âu và Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra sản phẩm này tại nhiều cửa hàng.
Mặt khác, với các mặt hàng thực phẩm giảm giá, báo VTV News có bài: “Nhiều loại thực phẩm giảm giá, người tiêu dùng có thêm lựa chọn”. Theo bài viết này, việc giảm giá khiến giỏ hàng đi chợ, sắm sửa cho bữa ăn của gia đình đã có thêm nhiều loại thực phẩm rẻ hơn trước. Ghi nhận tại một hệ thống siêu thị, giá khoai tây giảm khoảng 20%, bắp cải 40%, thanh long và dưa hấu giảm từ 40 - 50%. Hải sản, thịt gà... giá vẫn bình ổn.
Về giá xăng dầu, báo VnExpress dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính đến tác động của nó đến nền kinh tế. Ông giải thích thêm về biện pháp giảm thuế để kiềm giá dầu và chỉ ra rằng mức giảm thuế sẽ tạo tác động không đáng kể khi giá nguyên liệu này trên thế giới đang tăng, Việt Nam khó lòng cản được xu hướng. Do vậy, vấn đề ở đây là Bộ Tài chính phải luôn tính toán để đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế.