Báo Dân việt có bài “Công an Quảng Trị “điểm mặt” những dự án điện gió chưa tốt trong bảo vệ môi trường”. Theo đó, qua rà soát thực tế, Công an tỉnh Quảng Trị nhận thấy một số dự án điện gió chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường như: Dự án điện gió Amacao Quảng Trị, Tài Tâm, Hoàng Hải, Hướng Hiệp 1, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8…
Bài viết cũng phản ánh, sau khi đi vào hoạt động, các dự án điện gió vẫn còn một số vấn đề đáng quan tâm về môi trường, nhất là sạt lở ảnh hưởng đến đất nông nghiệp của nhân dân. Hơn thế, một số trụ tuabin điện gió gần nhà dân cần phải di dời; nguy cơ sạt lở tại các vị trí đào đắp trong quá trình xây dựng; một số đơn vị chưa thu gom các chất thải nguy hại tại các trạm biến áp trong quá trình vận hành…
Qua bài viết “Tháo gỡ rào cản phát triển điện gió ngoài khơi”, báo Điện tử Chính phủ phản ánh ý kiến của ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: Vẫn còn điểm nghẽn khi phát triển điện gió ngoài khơi, đó chính là Quy hoạch không gian biển.
“Khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi vẫn còn vướng vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng...”, ông Phạm Nguyên Hùng nhìn nhận và cho rằng, thực tế, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, đây là vấn đề cần tìm giải pháp khắc phục.
Báo Công Thương phản ánh ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An về vấn đề điện gió qua bài “Cần có lộ trình và giải pháp phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi”.
Loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn.
“Trong thời gian tới mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Chính phủ và các công ty của Na Uy nói chung, Công ty Equinor nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm phát triển để chia sẻ kiến thức về chính sách, công nghệ, bài học điển hình đã triển khai thành công và hỗ trợ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Trong lĩnh vực thị trường, giá xăng dầu tiếp tục là tâm điểm. Báo Tiền phong đăng tải bài viết “Giá xăng dầu tăng cao: Vắt kiệt sức dân”. Cụ thể, giá xăng liên tục tăng cao khiến người dân, doanh nghiệp nói chung rơi vào thế kiệt quệ. Có tới 50% số tàu cá nằm bờ vì giá xăng tăng quá cao. Đi kèm với đó, hàng vạn gia đình ngư dân gặp khó khăn. Nhiều hiệp hội ngành hàng đồng loạt kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp giảm giá xăng dầu để “cứu doanh nghiệp”.
Trước kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cùng với đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Báo Quân đội nhân dân qua bài viết “Giảm "kịch khung" thuế bảo vệ môi trường: Giá xăng, dầu sẽ giảm bao nhiêu?”, cung cấp thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, từ ngày 11-7 đến hết ngày 31-12-2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít…
Từ ngày 1-1-2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sau.