Bộ trưởng Bộ Tài chính: Muốn giảm giá xăng dầu phải sử dụng nhiều giải pháp Xăng dầu Malaysia khó xuất khẩu rẻ vì chính sách trợ giá chỉ dành riêng cho người bản địa |
Giá xăng dầu là chủ đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong ngày 3/6, đặc biệt trong việc so sánh giá xăng trong nước và thế giới. Báo Zing News có bài “Giá xăng tại Việt Nam thế nào so với các nước Đông Nam Á?”. Tờ báo này cho biết, tại Đông Nam Á, theo số liệu của Global Petro Price cập nhật ngày 30/5, giá xăng của Việt Nam (1,389 UDS/lít) đang thấp hơn giá xăng của Campuchia (1,392 USD/lít), Thái Lan(1,541 USD/lít), Philippines (1,631 USD/lít), Lào (1,645 USD/lít) và Singapore (2,315 USD/lít). Các quốc gia có giá xăng rẻ hơn Việt Nam là Malaysia (0.47 USD/lít) và Indonesia (1,203 USD/lít).
Cũng đề tài tương tự, báo Tiền phong có bài: “Giá xăng Việt Nam xếp thứ bao nhiêu thế giới?”. Tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận với mức giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế, nhưng do áp các loại thuế khác nhau nên có các mức giá bán lẻ khác nhau. Theo bảng cập nhật đến ngày 30/5 của Global Petrol Prices, giá xăng ở Venezuela vẫn rẻ nhất thế giới, chỉ 0,022 USD/lít (hơn 500 đồng/lít), rẻ hơn cả nước lọc. Tiếp đó là các quốc gia giàu dầu mỏ Libya, Iran, Syria, Kuwait, Angola, Nigeria… Theo bảng xếp hạng này, giá xăng của Việt Nam là 1,389 USD/lít, thấp thứ 84 trên thế giới. So với các quốc gia láng giềng như Campuchia với giá 1,392 USD/lít và Trung Quốc với giá 1,4 USD/lít, Lào với giá 1,654 USD/lít, giá xăng của Việt Nam vẫn rẻ hơn.
Luật dầu khí (sửa đổi) được trình ra quốc hội ngày 3/6 cũng trở thành đề tài nóng trên các báo. Theo đó, báo Tiền phong có bài: “Làm rõ cơ chế ưu đãi đặc biệt trong hoạt động dầu khí”. Tại phiên họp Quốc hội sáng 3/6, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Trong khi đó, về chủ đề xuất nhập khẩu, báo Thanh niên có bài: “Việt Nam đẩy mạnh nguồn cung lương thực ra thế giới”. Tờ báo này cho biết, khi thế giới đứng trước nguy cơ lạm phát giá , đứt gãy nguồn cung lương thực - thực phẩm, Việt Nam với vị thế của một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu đã thể hiện vai trò quan trọng của mình khi tích cực xuất khẩu các loại thực phẩm như gạo, thủy sản… ra toàn cầu.
Sau 2 năm dịch bệnh, “Hàn Quốc nối lại các hoạt động triển lãm tại Việt Nam”. Đây là tựa đề bài báo của Bnews ngày hôm nay. Tờ báo này cho biết, hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) và Trung tâm hội nghị và triển lãm COEX ngày 2/6 cho biết sẽ tổ chức trở lại các cuộc triển lãm ở nước ngoài sau gần ba năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Mở đầu cho các hoạt động này là “Triển lãm quốc tế nguồn cung ứng sản phẩm cao cấp (VIPREMIUM 2022)” và “Triển lãm Quốc tế Sản phẩm và Dịch vụ cho mẹ và bé lần thứ 10” diễn ra trong vòng 4 ngày từ 2-5/6.