Tư vấn xuất khẩu hạt điều sang thị trường Đông và Tây Âu Thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam |
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 4 tỷ USD trong năm 2022 nhiều khả năng thất bại, đó là thông tin được nhiều cơ quan báo chí đề cập trong ngày 27/6.
5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 202.900 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD |
Cụ thể, tờ Dân việt có bài: Mỹ, Trung Quốc mua lượng lớn, ngành điều đã thu 1,2 tỷ USD nhưng vẫn xin giảm chỉ tiêu xuất khẩu năm 2022.
Bài báo cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 202.900 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 5,0% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
10 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 64.413 tấn, trị giá 369 triệu USD; Trung Quốc đạt 20.413 tấn, trị gí 132,9 triệu USD.
Tuy là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” trong 5 tháng đầu năm, nhưng xuất khẩu điều 5 tháng đầu năm 2022 so với 2021 giảm cả về lượng và giá trị. Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của ngành điều, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu nhân điều trong năm nay xuống còn 3,2 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm và giảm 400 triệu USD so với năm 2021.
Để đảm bảo thông mạch xuất khẩu, VINACAS cũng có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng tàu, đảm bảo cung cấp số lượng container rỗng cho các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam. Tránh lặp lại tình trạng thiếu container rỗng bất thường đã xảy ra trong năm 2021, gây thiệt hại về nhiều mặt.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị không sản sinh ra các loại phí mới bất hợp lý như phí sử dụng hạ tầng cảng biển, phí cân bằng container… gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến xuất khẩu hạt điều, tờ Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có bài: Vụ xuất khẩu hạt điều bị lừa: Tiếp tục đòi lại 150 tỷ đồng tiền đặt cọc.
Theo bài báo, dù doanh nghiệp Việt Nam đã lấy lại toàn bộ các container hạt điều nghi bị lừa đảo tại Ý nhưng số tiền cọc/bảo lãnh đóng cho các hãng tàu vẫn chưa đòi lại lại được.
Báo cáo kết quả xử lý vụ xuất khẩu hạt điều qua Ý gặp lừa đảo, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch VINACAS - cho biết: Kết quả toàn bộ 35 container đã được phán quyết quyền chủ sở hữu thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng, vụ việc vẫn chưa kết thúc khi còn 30 container của 3 doanh nghiệp đã được các hãng tàu trả lại nhưng các hãng tàu đang giữ tiền cọc/bảo lãnh (thời hạn 18 tháng đến 6 năm).
“Mỗi một container điều có giá trị khoảng 4 tỷ đồng, tiền cọc/bảo lãnh 125%-150% giá trị lô hàng thì doanh nghiệp ít nhất phải chi khoảng 5 tỷ đồng/container, 30 container tương đương khoảng 150 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn của doanh nghiệp nếu không đòi lại sớm”, ông Nhựt tính toán.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tờ Lao động có bài: Công nghiệp hỗ trợ hưởng lợi khi các công ty lớn trên thế giới chuyển dịch.
Theo bài báo, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Cụ thể, Việt Nam là điểm đến dự kiến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới, trong bối cảnh sự gián đoạn hoạt động sản xuất do tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã buộc các công ty phải tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này.
Cụ thể, chuyên gia tư vấn Henrik Bork tại Asia Waypoint cho biết, các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đầu tháng 6 cho biết Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam.
Đặc biệt, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá sẽ có vai trò quan trọng trong mục tiêu chính sách này.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, tờ Tuổi trẻ đưa thông tin: Vẫn mong chờ giảm thuế cho xăng dầu.
Bài báo nêu rõ, tại phiên chất vấn ở Quốc hội tháng 5 vừa qua, bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu quốc hội đề nghị tư lệnh ngành tài chính cần chủ động đề xuất giảm các sắc thuế trong bối cảnh xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục.
1 lít xăng đang "cõng" tới hơn 11.000 đồng tiền 4 loại thuế và các khoản phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính giải thích xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo được, cần sử dụng tiết kiệm... nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, ông Trịnh Quang Khanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết nhiều nước đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như Thái Lan, Ba Lan...
Chính trong báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ hồi tháng 3 về giải pháp kiềm chế giá xăng dầu, Ấn Độ đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.