Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp và địa phương đảm bảo nguồn cung xăng dầu |
Tạp chí Vneconomy có bài: “Bộ Công Thương: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh”. Bài báo nêu: Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, tại công văn số 5096/BCT-TTTN, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 26/8: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu |
Đặc biệt, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.
Cùng vấn đề này, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có bài “Cửa hàng thông báo '0 bán xăng', Bộ Công Thương chỉ đạo nóng”; Zing có bài “Đại lý xăng dầu than lỗ, Bộ Công Thương yêu cầu đầu mối chia sẻ”. Theo bài báo: Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống và các khách hàng hợp lý để đảm bảo không gián đoạn cung ứng xăng dầu.
Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Bài báo trích dẫn yêu cầu của Bộ Công Thương: "Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp".
Bên cạnh vấn đề quản lý nguồn cung xăng dầu, việc minh bạch thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam cũng được báo chí quan tâm. Báo Giao thông có bài: “Giải bài toán phát triển thị trường khí Việt Nam”; Báo Kinh tế và Đô thị có bài: “Minh bạch để phát triển thị trường khí”…
Khí và thị trường khí luôn là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động lớn đến nguồn cung ứng đã cho thấy vai trò cấp bách của việc định hướng thị trường.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ khí hóa lỏng hàng năm ở Việt Nam vào khoảng 2 - 2,2 triệu tấn, song chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại.
Tuy nhiên, thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sớm có giải pháp điều chỉnh trong thời tới nhằm giúp hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch hơn.
Theo đó, cần xây dựng đồng bộ các loại hình thương nhân kinh doanh khí theo hướng bảo đảm các thương nhân kinh doanh khí được điều chỉnh đầy đủ và rõ ràng, gắn với từng khâu trong chuỗi kinh doanh khí từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến khách hàng, người tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ kinh doanh khí, bảo đảm an toàn kỹ thuật và yêu cầu phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời, loại bỏ, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân kinh doanh khí. Quy định quyền và nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh khí phải đáp ứng yêu cầu: rõ ràng, khả thi, dễ thực hiện và phù hợp với nguồn lực của thương nhân kinh doanh khí. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh khí.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh LPG chai theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và dịch vụ kinh doanh LPG chai và chai LPG nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng chai LPG, chiết nạp LPG lậu và cung cấp LPG chai giả.