Quản lý thị trường Lạng Sơn: Tăng cường kiểm soát các mặt hàng trọng điểm Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/7: Mặc kệ giá xăng giảm, nhiều hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục tăng |
Báo Hải quan có bài “Quản lý thị trường phát hiện nhiều loại hàng bị làm giả”; Bnew có bài “Quản lý thị trường tiếp tục kiểm soát các mặt hàng nóng”. Bài báo phản ánh, 6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát mặt hàng xăng dầu, phân bón, an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; hàng giả, hàng nhái trong dịp khai giảng, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch cũng như trên môi trường thương mại điện tử và mạng xã hội.
Tiếp tục kiểm soát các mặt hàng “nóng”, trong đó có xăng dầu |
Bài báo cũng nêu chia sẻ của ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua xăng dầu là công tác đột xuất song đã trở thành công tác trọng điểm của lực lượng. Do đó, toàn lực lượng tập trung các nỗ lực để kiểm tra, kiểm soát 16.700 cây xăng trên cả nước, góp phần bảo đảm nguồn cung và đặc biệt là không để xảy ra gian lận thương mại trong hoạt động xăng dầu.
Ngoài ra, phân bón, vật tư nông nghiệp, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ cũng là những mặt hàng nằm trong kế hoạch kiểm tra kiểm soát trọng điểm của toàn lực lượng. Đặc biệt, năm nay có thêm một mặt hàng mới là thuốc lá điện tử nhưng hiện tại vẫn còn thiếu chế tài xử lý các vụ việc liên quan.
Cùng với việc tiếp tục kiểm soát các mặt hàng thì báo chí cũng đề cập đến vấn đề cần có giải pháp chặn đà tăng giá hàng hóa. Đây cũng là tiêu đề của bài viết trên báo Người lao động ra ngày hôm nay “Giải pháp chặn đà tăng giá hàng hóa”.
Theo bài báo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng thiết yếu, đề xuất giảm thêm thuế xăng dầu để góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bài báo đã trích dẫn ý kiến của bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh: Giá xăng dầu tăng kéo theo rất nhiều hàng hóa trên thị trường tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới. Thế nhưng, khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa không chịu giảm. Người tiêu dùng tuy bức xúc nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng.
“Giữa bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, trên thị trường có rất nhiều người kinh doanh sử dụng chiêu nâng giá rồi khuyến mại sâu khiến giá bán cuối cùng đến tay khách hàng lại cao hơn mặt bằng chung. Các chương trình khuyến mại hiện nay dường như thiếu sự kiểm soát. Chúng tôi không thấy có nhiều thông tin về xử phạt trường hợp khuyến mại dỏm nên các "gian thương" thoải mái tung hoành. Chúng tôi khuyến nghị người tiêu dùng không vội vàng mua hàng khuyến mại với tâm lý sợ lỡ cơ hội mà nên bình tĩnh khảo sát, so sánh giá để tránh bị lừa”, Bà Thu khuyến nghị.
Bên cạnh đó, báo chí tiếp tục phản ánh đến vấn đề thương hiệu quốc gia, trên báo Thanh niên có bài viết “Siết chất lượng để bảo vệ thương hiệu quốc gia”. Sở dĩ hiện nay nhiều mặt hàng của Việt Nam đều được các thị trường nước ngoài ưa chuộng nhưng sản lượng xuất khẩu còn ít do vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.
Cụ thể, hàng Việt Nam bị cảnh báo dư lượng hóa chất. Mới đây, Đức, Ba Lan và Malta đã đưa ra 3 cảnh báo liên quan đến mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong đó có một sản phẩm có hàm lượng ethylene oxide (EO - hóa chất được sử dụng bảo quản thực phẩm tránh mốc, hỏng nhưng cũng được sử dụng trong thuốc trừ sâu) vượt ngưỡng quy định.
Kết quả rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vào cuối tuần qua cho biết, trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU là sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia.