Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 26/5: Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia
Công Thương và công luận 26/05/2022 13:57
Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam có bài “Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Anh phát triển bền vững”. Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ngày 25/5, tại London đã diễn ra Khóa họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam-Anh (JETCO12) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An và Quốc vụ khanh Chính sách Thương mại, Bộ Thương mại Quốc tế Anh (DIT), Penny Mordaunt.
Tại khóa họp lần này, hai bên đã có những thảo luận thực chất, thống nhất về nhiều vấn đề hợp tác thiết thực, cụ thể như: ngoại giao; COP26 và năng lượng tái tạo; nông sản, thực phẩm và đồ uống; công nghệ và công nghệ tài chính; chăm sóc sức khỏe và dược phẩm; giáo dục; công nghiệp; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại.
Cũng trên trang báo này nhưng về chủ đề công nghiệp, bài viết “Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 40% GDP” được thể hiện dưới hình thức infographic.
Theo đó, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Cụ thể, ngành công nghiệp phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%...
Cùng về chủ đề công nghiệp, báo Đầu tư lại có bài “Phụ thuộc nhập khẩu, điện khí LNG có nhiều biến số”.
Theo tác giả bài báo, vốn đầu tư, thiết bị nhà máy, nguyên liệu đầu vào đều phụ thuộc vào nhập khẩu khiến Dự án điện khí LNG đau đầu về tính hiệu quả trong điều kiện giá điện chưa được thị trường hoàn toàn.
Tác giả bài báo cũng đưa dẫn chứng về các dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài gồm Bạc Liêu, Long An 1&2, Quảng Ninh, Quảng Trị, tiến trình triển khai dự án có những thách thức nhất định. Đó là bởi các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu các điều kiện đảm bảo đầu tư không phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
“Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia” - là nội dung bài viết “Hai Bộ vào cuộc số hóa, kiểm soát toàn bộ kinh doanh xăng dầu cả nước” đăng trên báo điện tử VietnamNet sáng nay.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết đã sẵn sàng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia có đường dẫn tại http://quanlyxangdau.moit.gov.vn. Việc vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia được chia làm các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chi tiết phù hợp.
Cũng liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia, Báo Quân đội Nhân dân có bài: Giá xăng dầu nhiều biến động, Bộ Công Thương vận hành cơ sở dữ liệu nhằm điều tiết cung cầu.
Theo bài báo, trong giai đoạn 1, có 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu được tạo tài khoản có thể đăng nhập, tra cứu, cấp nạp dữ liệu tại đây.
Về xuất nhập khẩu, Báo điện tử VietnamPlus có bài: "Tận dụng RCEP, xuất khẩu thủy sản sang Australia dự báo tăng mạnh".
Theo đại diện Bộ Công Thương, với tác động của các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 35,5 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 4/2021.
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia luôn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.