Cần cơ chế đặc biệt để ổn định thị trường xăng dầu Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 14/9: Tìm giải pháp ổn định thị trường xăng dầu |
Liên quan đến vụ rau “bẩn” vào siêu thị, Công an nhân dân có bài: Lỗ hổng trong kiểm soát nguồn cung ứng rau ở siêu thị. Bài báo phản ánh, sau sự việc rau chợ được “phù phép” dán mác rau VietGAP bán vào siêu thị Winmart và Tiki ngon mới được báo chí phanh phui, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Liệu có những “lỗ hổng” nào trong vấn đề kiểm soát nguồn cung ứng rau vào các siêu thị?
Nếu nhìn vào các quy trình kiểm tra, kiểm soát của các siêu thị, có thể thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng để rau “bẩn” có thể “chui” vào siêu thị. Siêu thị yêu cầu rất chặt chẽ đối với các nhà cung cấp về giấy tờ, thủ tục, chọn lựa những nhà cung cấp có uy tín có thâm niên, thậm chí xuống tận ruộng để lấy mẫu kiểm tra.
Tuy nhiên, nhà cung cấp có thể trồng rau an toàn đúng tiêu chuẩn để cung cấp cho siêu thị, nhưng khi số lượng rau không đủ đáp ứng thì hoàn toàn có thể xảy ra câu chuyện thu gom rau tại các chợ đầu mối rồi dán nhãn rau an toàn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, để tránh những sự việc đáng tiếc như trên, cần thực hiện quản trị doanh nghiệp nội bộ cho tốt. Các siêu thị cần quản trị chuỗi cung ứng ngắn từ đầu vào cho đến khâu nhập hàng, bảo quản trong kho cho đến sơ chế, tổ chức bán ra và theo dõi khi đến tay người tiêu dùng. Tức là phải phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ chịu trách nhiệm, nhất là khâu nhập hàng.
Theo đó, phải xem lại quy chế về trung tâm thương mại, siêu thị mà Bộ Công Thương vừa sửa đổi, đã có quy định về những vấn đề này. Các siêu thị cần chấp hành nghiêm quy chế đó.
Về vấn đề xăng dầu, Đại đoàn kết có bài: Giảm khâu trung gian trong phân phối xăng dầu. Nội dung báo nêu, với nội dung, giá xăng hạ, người dân bớt nỗi lo nhưng các đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp tục kêu khó vì chiết khấu giảm về 0. Cùng với đó, nguồn cung xăng dầu cũng có lúc gián đoạn.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải (Hà Nội) cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh ngiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp. Có thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu thấp như vậy, chúng tôi càng bán càng lỗ, trong khi các cơ quan quản lý lại yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Mức chiết khấu DN tính toán phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí cho doanh nghiệp.
Tương tự, bà Lê Thị Nhã - doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc cho rằng các đầu mối cần đảm bảo hoa hồng cho đại lý ít nhất là đủ trả lương công nhân, tiền điện để cửa hàng có tiền trang trải. “Nếu cứ cho hoa hồng 17 đồng/lít thì doanh nghiệp chúng tôi phá sản”- bà Nhã nói đồng thời nêu lên bất cập của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu là mỗi cây xăng chỉ được phép mua từ duy nhất 1 nguồn, đã giúp cho đầu mối chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng… dẫn đến thiếu hàng cục bộ.
Ông Ngô Trung Sơn - Công ty xăng dầu Trung Sơn cũng đề xuất bỏ quy định “độc quyền” trên. Theo ông Sơn, hiện có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dùng phải gánh chịu.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam sản xuất được 70-75% xăng dầu, nhập khẩu trên dưới 20% để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên 23 triệu m3 xăng dầu mỗi năm. Thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Về vấn đề điều hành, chiết khấu xăng dầu, chúng tôi là đơn vị tham mưu chính sách. Bản chất cuối cùng của chính sách là thực tiễn, khi doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp thu, tham mưu điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thực tiễn phát sinh - ông Tuấn nói.
Về xuất nhập khẩu, Vnbusiness có bài: Bước ngoặt mới cho logistics Việt? Theo báo nêu, thực tế, 2 năm qua nếu như COVID-19 là nỗi ám ảnh của đa phần các doanh nghiệp thì với ngành logistics, đây lại là cơ hội lớn để tận dụng được các cơ hội phát triển từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group, chia sẻ trong quãng thời gian vừa qua, doanh nghiệp đang nhận được rất nhiều đơn hàng, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn doanh thu mới.
“Trong nguy có cơ”, ông Thuật chia sẻ dịch COVID-19 trùng với thời điểm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU thực thi đã giúp doanh nghiệp có thêm rất nhiều cơ hội. “Cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, cũng là cơ hội để doanh nghiệp logistics có thêm đơn hàng, tìm kiếm thêm vị trí mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thuật nói.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thị trường phục hồi, nhu cầu xuất khẩu tăng lên, tất yếu khách hàng đến với ngành logistics sẽ nhiều hơn. Song, để nắm bắt được các cơ hội này, doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải hợp sức, kết nối thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải xác định tư duy lớn lên, tiếp cận trình độ quốc tế, vươn ra bên ngoài. Về phía Nhà nước, ông Hải cho hay Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển logistics gắn với hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới tốt hơn.