Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 21/6: Kết thúc "có hậu" của 100 container hạt điều Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/6: Vì sao xe máy khan hàng, tăng giá chóng mặt? |
Toạ đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam” diễn ra trong ngày 22/6 vừa qua đã trở thành diễn đàn thảo luận vấn đề năng lượng được nhiều báo chí quan tâm. Báo VnExpress có bài: “'Khó đảm bảo an ninh năng lượng nếu chỉ trông chờ điện gió, mặt trời'”. Bài báo này viết, điện gió, mặt trời chiếm gần 27% tổng công suất đặt hệ thống điện, nhưng theo các chuyên gia, hai loại hình này chưa đủ giúp Việt Nam đạt "net zero" vào 2050.
Thay vào đó, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng, vốn đã thực hiện từ 2019, và chuyển đổi nhiên liệu. Tức là ngoài khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió..., cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá... Việc này sẽ giúp đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Sau kì điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/6, việc kìm đà tăng giá xăng dầu cũng tiếp tục trở thành chủ đề bàn luận tại nhiều báo. Báo VTV có bài: “Bộ Tài chính đề nghị chưa điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng”. Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước.
Báo Tuổi trẻ có bài: “Giá xăng dầu tăng, thu thuế từ xăng dầu cũng tăng, nên giảm thuế”. Bài báo này viết, không ít chuyên gia đánh giá với tình hình hiện nay, việc giảm thuế cho xăng dầu Nhà nước vẫn không "thiệt".
Báo Zing đưa tin “Phó thủ tướng: Hạn chế đà tăng giá xăng dầu trong các kỳ điều hành”. Để hạn chế đà tăng giá của xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải theo dõi sát diễn biến thế giới để có phương án điều hành phù hợp và sử dụng linh hoạt Quỹ BOG.
Về vấn đề điện, báo Thanh niên có bài: “Nắng nóng khắp nơi, điện tiêu thụ kỷ lục”. Theo Tổng công ty điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI), lượng điện tiêu thụ ngày 21.6 đã lập “đỉnh” mới so với lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng khiến việc sử dụng các thiết bị làm mát như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ… tăng cao. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Thông tin về xuất nhập khẩu, tạp chí VnEconomy có bài: “Xuất nhập khẩu “giảm tốc”, cán cân thương mại thâm hụt 1,42 tỷ USD”. Tạp chí này thông tin, trong kỳ 1 tháng 6/2022, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 31,64 tỷ USD, giảm 10% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 5/2022. Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt tới 1,42 tỷ USD…