Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài |
Vietnam+ của TTX có bài: “Bộ Công Thương gỡ khó cho 15 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên”. Theo nội dung phản ánh trong bài báo, tại hội nghị ngành của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022, các đại biểu đã gửi 142 kiến nghị tới Bộ Công Thương. Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghiệp có 65 kiến nghị liên quan tới lĩnh vực cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu nổ công nghiệp, khuyến công, khoáng sản, môi trường hóa chất, an toàn thực phẩm.
Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận |
Lĩnh vực thương mại có 39 kiến nghị liên quan hạ tầng thương mại, kinh doanh xăng dầu, khí và rượu; xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thương mại biên giới và thương mại điện tử, chuyển đổi số; đa cấp, khuyến mại; hội nhập kinh tế quốc tế.
Lĩnh vực năng lượng có 24 kiến nghị liên quan đến năng lượng tái tạo; công trình điện, cấp và truyền tải điện; mua bán điện và an toàn hồ đập. Ngoài ra, có 14 kiến nghị liên quan đến các nội dung khác.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Lắk đánh giá cao phản hồi của Bộ Công Thương về giải đáp những nội dung kiến nghị của các địa phương.
Cùng về vấn đề này, báo Kinh tế và Đô thị có bài: “Ngành Công Thương 15 tỉnh, TP cùng gỡ khó để phát triển”; VOV5 đưa tin “Tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Thời gian qua, 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt. Đặc biệt, năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong Top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là Gia Lai và Ninh Thuận.
Để tiếp tục đưa khu vực này phát triển hơn, hội nghị đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Cùng nhấn mạnh đến vai trò của ngành Công Thương trong phát triển kinh tế, báo Lao động Thủ đô có bài: “Hệ thống thương vụ tại nước ngoài phát huy hiệu quả vai trò tiền tuyến, mở rộng thị trường xuất khẩu”; báo Tuổi trẻ có bài: “Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu trong năm nay”. Bài báo thông tin Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Công thương phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều tối ngày 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì.
Đánh giá kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của ngành Công Thương, trong đó có hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới có nhiều phức tạp, khiến thị trường lớn bị thu hẹp và nhiều nước khó khăn, lạm phát, sức tiêu thụ giảm, trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).
Vì vậy, đòi hỏi ngành Công Thương nói chung và hệ thống thương vụ phải tích cực, chủ động hơn nữa công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia.