Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 20/5: Công nghiệp hỗ trợ tìm đường vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Công Thương và công luận 20/05/2022 11:45
Liên kết thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Ngày càng phát huy hiệu quả Tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ |
Công nghiệp hỗ trợ là một chủ đề được nhiều báo đài quan tâm trong ngày 20/5. Báo Tin tức có bài “Con đường nhanh nhất vào chuỗi cung ứng toàn cầu”. Bài báo cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy vậy, số đông các doanh nghiệp còn lại vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, năng lực sản xuất... Nhiều chuyên gia cho rằng, cần "làm nhanh, làm mạnh" hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực, kết nối giữa các doanh nghiệp nhằm thích ứng đứt gẫy chuỗi cung ứng trước tác động của dịch COVID-19 và các xung đột chính trị.
Cũng viết về chủ đề này, Báo VietnamPlus có bài: “Hỗ trợ doanh nghiệp - Con đường nhanh nhất vào chuỗi cung ứng toàn cầu”. Bài báo này dẫn số liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ngành xe máy, Việt Nam đã nội địa hóa được với tỷ lệ cao, các ngành điện tử, ôtô, vẫn chưa nội địa hóa được bao nhiêu.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, viết về đợt điều chỉnh xăng tới đây, báo VTC có bài dự báo “Giá xăng sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp, vượt 30.000 đồng/lít?”. Bài báo này cho biết, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật ngày 17/5 với RON 92 là 146,3 USD/thùng; xăng RON 95 là 150,3 USD/thùng, tăng mạnh so với ngày 10/5 (xăng RON 92 là 138,59 USD/thùng, xăng RON95 là 142,6 USD/thùng).
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Cùng với giá dầu tăng cao là nguy cơ lạm phát đang trực chờ. Báo VTV News có bài: Dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% không còn nhiều. Theo đó, 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã vượt qua mốc 2%, trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng, nguyên nhiên liệu đầu vào trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Đây là một áp lực lớn đối với giá cả trong nước, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Trong khi đó, lĩnh vực xuất nhập khẩu lại nhận được nhiều tín hiệu vui khi kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, một trong những mặt hàng chủ lực là điện thoại, linh kiện tiếp tục xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đây là nội dung của bài “Xuất khẩu điện thoại, linh kiện sang Trung Quốc, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn” của ITC News.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch lớn nhất với 4,74 tỷ USD, tăng 19,7%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 4,19 tỷ USD, tăng 32,2%; sang Hàn Quốc đạt 1,98 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu điện thoại sang EU đạt 2,25 tỷ USD, giảm 7,6%. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam.