Diễn đàn báo chí ngày 19/5 đề cập tới vấn đề đang được dư luận tiếp tục quan tâm, đó là giá thép giảm mạnh sau 7 lần tăng giá; bảo đảm cung ứng điện trong mùa nắng nóng 2022…
Giá thép giảm mạnh sau 7 lần tăng giá |
VTV đưa tin “Giá thép đồng loạt giảm mạnh”; Kinh tế chứng khoán có bài viết “Nguyên nhân nào khiến giá thép đột ngột giảm mạnh?”. Bài báo đưa ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Trần Tuấn Dương: Từ đầu tháng 5/2022 đến nay giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế xu hướng đi xuống.
Điển hình tại thị trường miền Trung, thép Việt Đức giảm 910.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 920.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300, mức giá mới lần lượt là 18,88 triệu đồng/tấn và 19,18 triệu đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân khiến giá thép giảm mạnh như vậy, nhiều chuyên gia có chung nhận định, ngoài việc do giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên các sàn giao dịch quốc tế có xu hướng đi xuống thì thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ, thao túng tăng giá thép trên thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi triển khai giải pháp phòng vệ thương mại, qua đó chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Những hoạt động này là giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá bán mặt hàng sắt thép.
Bên cạnh vấn đề giá thép giảm mạnh sau 7 lần tăng trong 4 tháng đầu năm 2022 thì việc cung ứng điện trong mùa nắng nóng 2022 cũng được dư luận quan tâm.
Về chủ đề này, Vnexpress có bài “Lý do Việt Nam vẫn nguy cơ thiếu điện dù nhiều điện gió, mặt trời”; báo Đầu tư có bài “Còn 41 dự án điện mặt trời lớn trong quy hoạch, nhưng chưa vận hành”.
Báo điện tử Chính phủ có bài “Giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong mùa nắng nóng 2022”. Theo các bài báo, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng luôn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng, du lịch và dịch vụ đang phục hồi, chuỗi sản xuất công nghiệp cũng sẽ phục hồi, do đó cần đưa ra kịch bản tăng trưởng điện năng 8-12% vào cuối năm 2022, khi tất cả dịch vụ, hoạt động sản xuất trở lại hoàn toàn bình thường.
Nhiều hy vọng, việc thiếu nguồn năng lượng sơ cấp sẽ được giải quyết trong ngắn hạn, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp giải quyết. Song về dài hạn, cần có giải pháp khoa học, vì nguy cơ thiếu điện được nhận định khá lớn.