Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 18/6: Nông sản, thực phẩm Việt: Rộng cửa vào châu Âu
Công Thương và công luận 18/06/2022 11:34
Kinh nghiệm xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt vào Hồng Kông Thực phẩm Việt Nam ở đâu trên thị trường RCEP? |
Báo Tiền Phong có bài “Bộ Công Thương ủng hộ giảm thuế để giảm giá xăng dầu”. Trong đó, trích lời của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 16/6: “Quan điểm của tôi là bỏ Quỹ Bình ổn giá để giá vận hành ‘cong ăn cong, thẳng ăn thẳng’ theo giá thế giới. Bộ Công Thương cũng từng đề xuất về việc này. Tuy nhiên, trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố.
Bên cạnh đó, để giữ giá xăng dầu cũng có thể tính tới phương án giảm tác động tăng giá thông qua giảm thuế hoặc hỗ trợ an sinh cho người nghèo và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cũng về chủ để năng lượng, trên Báo Đầu tư có bài “Chưa chốt xong Quy hoạch điện VIII”.
Nội dung bài báo đăng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản nhắc việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương về 3 vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Công thư 182/LĐCP về Quy hoạch điện VIII là tính khả thi của Quy hoạch điện VIII, về quy hoạch điện mặt trời và về quy hoạch điện khí LNG với yêu cầu báo cáo trước ngày 18/6/2022.
Chủ đề thương mại, xuất nhập khẩu cũng được báo chí đặc biệt quan tâm, Báo Lao động có bài “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia”.
Tác giả bài báo viết, Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng... cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia là rất lớn.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%. Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia.
Cũng về xuất khẩu, Báo Sài Gòn giải phóng có bài “Nông sản, thực phẩm Việt: Rộng cửa vào châu Âu”. Theo đó, hàng loạt rào cản kỹ thuật liên quan đến nhóm hàng nông, thủy hải sản, lương thực thực phẩm chế biến xuất khẩu từ Việt Nam đã được thị trường châu Âu nới lỏng, nhiều doanh nghiệp Việt đã tăng tốc sản xuất nhằm gia tăng thị phần.
Tác giả bài báo cũng trích lời ông Nguyễn Đức Thương, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ: Hành lang pháp lý trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ nói riêng và châu Âu nói chung đã tương đối đầy đủ. Các bên đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu cũng như các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa được minh bạch và nới lỏng. Những điều này cơ bản có lợi cho những nước có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó có Việt Nam.
Hoạt động logistics trong lĩnh vực nông nghiệp mới trong giai đoạn đầu của sự phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu là nội dung bài “Hoàn thiện chuỗi logistics cho nông sản Việt” đăng trên Báo điện tử Bnews sáng nay.
Tác giả bài báo đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhằm giải quyết vấn đề logistics trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và logistics cho nông sản nói riêng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển nông nghiệp hiện đại.