Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 14/8: Thị trường nội địa dần bình ổn
Công Thương và công luận 14/08/2022 10:57
Thị trường nội địa: Đòn bẩy tăng trưởng trong đại dịch |
Trên báo Hà Nội mới có bài phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông với nhan đề “Triển khai giải pháp hiệu quả bình ổn thị trường trong nước”. Theo bài báo, kể từ tháng 3/2022 đến nay, mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới có nhiều biến động, với xu hướng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường hàng hóa trong nước. Các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng, dầu chịu tác động mạnh và tăng khá cao so với trước. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông nghiệp có xu hướng tăng, như thịt lợn, rau quả…, tuy gần đây có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Với các mặt hàng thiết yếu khác, nhìn chung giá cả không có biến động bất thường.
Thị trường nội địa đang dần bình ổn |
Tuy giá cả một số mặt hàng tăng cao nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước luôn đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Trong 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 7, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng có xu hướng giảm theo giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường.
Trước dự báo về những khó khăn trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, ngành Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả bảo đảm bình ổn thị trường trong nước, góp phần cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Cùng chủ đề này, Tạp chí Thương hiệu và Công luận có bài: “Ngành bán lẻ đang phục hồi mạnh mẽ”; báo Tuổi trẻ có bài viết đáng quan tâm: “Nhiều mặt hàng đã chịu giảm giá”. Với việc giá xăng dầu và một số đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận chuyển giảm xuống, giá nhiều mặt hàng bán lẻ trên thị trường đã giảm nhẹ. Riêng dịch vụ ăn uống vẫn giữ giá cao. Người tiêu dùng vẫn chờ người bán giảm giá tương xứng với mức giảm xăng dầu thay vì "chỉ biết tăng không biết giảm".
Bài báo nêu ý kiến của ông Bùi Thanh Tùng - Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An: Cùng với giá xăng dầu, giá nguyên liệu dầu thế giới có xu hướng giảm nhẹ. Nhờ vậy doanh nghiệp cũng giảm giá bán dầu ăn cho người tiêu dùng. Nếu giá hàng hóa trên thị trường thế giới duy trì xu hướng giảm như thời gian qua, tới đây giá một số mặt hàng trong nước có thể giảm thêm vì hàng nhập khẩu luôn có độ trễ.
Tuy có nhiều dấu hiệu tích cực song vẫn “Không thể chủ quan với lạm phát”, đây cũng là tiêu đề bài viết trên báo Kinh tế đô thị.
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, dư luận tiếp tục quan tâm đến “Nhiệt điện Vũng Áng 1: Hoạt động 7 năm vẫn chưa thể quyết toán” - bài viết trên báo Đầu tư. Mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành và thu ngay được tiền bán điện, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa thanh toán nốt số tiền mà Tổng thầu là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã bỏ ra để thực hiện các công việc có liên quan tại công trình này, ước tính khoảng 1.400 tỷ đồng.
Bởi vậy, tại lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cách đây ít ngày, trước sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành và Petrovietnam, lãnh đạo LILAMA đã lên tiếng đề nghị quyết toán dứt điểm Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Trong bài báo có nêu quan điểm của Bộ Công Thương rằng, đối chiếu với Bộ luật Dân sự và Hợp đồng EPC đã ký, Petrovietnam và LILAMA là hai chủ thể của hợp đồng EPC đã ký có trách nhiệm đàm phán, tự quyết định giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện, điều chỉnh, quyết toán hợp đồng theo đúng quy định của Hợp đồng EPC và quy định của pháp luật.
Với các bộ, ngành được lấy ý kiến, ngày 18/8/2022 là thời hạn để góp ý kiến để Bộ Công Thương tổng hợp và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.