Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 12/4: “Đánh thức” đầu tư vào dầu khí, ngoài ưu đãi còn cần gì? Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 13/4: Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện |
Xuất nhập khẩu tiếp tục là chủ đề được báo chí quan tâm trong ngày 14/4. Báo VTV News có bài “Xuất nhập khẩu kỳ vọng vượt mức 670 tỷ USD năm 2022”. Tờ báo này viết, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao, ước tính đạt gần 176,4 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới vượt 670 tỷ USD.
Về lĩnh vực năng lượng, liên quan đến chủ đề cung ứng điện trong mùa hè 2022, Báo Lao động có bài: “EVNHANOI đã xây dựng các phương án cấp điện mùa hè 2022”, thông tin về các biện pháp chuẩn bị tại Hà Nội. Tác giả bài báo cho biết, hiện nay, các ngành kinh doanh, dịch vụ quay trở lại hoạt động bình thường và tăng tốc khiến mức tiêu thụ điện tăng cao. Với mục tiêu cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) đã tăng cường kiểm tra rà soát, bảo dưỡng sửa chữa toàn bộ các trạm biến áp, đường dây và đôn đốc tiến độ các công trình đầu tư xây dựng để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa hè 2022.
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu – một chủ đề nóng hiện nay, báo Tuổi trẻ có bài: “Đừng 'hắt hủi' quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Tờ báo này viết, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết bởi quỹ này được xem như "hồ điều tiết", nhằm chống việc tăng sốc giá xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới liên tục leo thang, góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá (QBOG) xăng dầu với lý do giá xăng dầu trong nước đã theo sát giá thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên lạm dụng QBOG xăng dầu mà cần nâng cao tính dự báo, có thêm công cụ để kềm giá bền vững hơn như tăng dự trữ, giảm thuế phí...
Cũng liên quan đến giá xăng dầu, Báo Nhân dân có bài "Giá xăng giảm liên tiếp, người dân kỳ vọng kéo giảm mặt bằng giá tiêu dùng". Bài báo nêu rõ, từ 15 giờ ngày 12/4, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm. Đây là lần thứ 3 liên tiếp mặt hàng này được điều chỉnh giảm giá. Ngoài việc vui mừng vì một trong những nhiên liệu quan trọng không còn tăng nóng, người dân còn kỳ vọng giá các mặt hàng trước đó tăng theo giá xăng sẽ sớm được điều chỉnh giảm tương ứng.
Một thông tin tích cực trong ngày 14/4, sau khi mở cửa đường bay quốc tế, “Người Việt ồ ạt ra nước ngoài du lịch” là tựa bài của báo Zing News. Theo đó, gần một tháng sau cột mốc Chính phủ cho phép mở cửa toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế, nhiều du khách Việt đã thực hiện thành công hành trình xuất ngoại du lịch. Bên cạnh chuyến đi tự túc, một số doanh nghiệp lữ hành cho biết số lượng khách hàng liên hệ, tư vấn thông tin và đặt tour cũng tăng mạnh. Du lịch nước ngoài đang dần lấy lại không khí rộn ràng và được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi.
Tuy nhiên, tờ báo này cũng cho biết, vấn đề giá tour nước ngoài hiện còn đang là "rào cản" đối với một số du khách Việt Nam. Ví dụ sản phẩm tour Đông Nam Á còn tương đối cao so với thời điểm trước do vé máy bay, dịch vụ tour bên nước sở tại còn khá cao và vấn đề giá xăng dầu gia tăng trong thời gian gần đây.