Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 11/4: "Hồi sinh" những dự án yếu kém, thua lỗ
Công Thương và công luận 11/04/2022 09:14
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/4: Giá xăng dầu sau lễ có thể giảm 600 - 800 đồng/lít Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/4: Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ |
Liên quan đến vấn đề hồi sinh các dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương, Báo Nhân dân có bài "Tích cực xử lý những dự án yếu kém, thua lỗ".
Bài báo chỉ rõ, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, thậm chí một số dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận. Ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án nêu trên thống nhất đưa năm dự án ra khỏi “danh sách đen” 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực lớn của ngành Công Thương trong việc tái cơ cấu các dự án này.
Làm rõ hơn về vấn đề nâng cao hiệu quả, vai trò doanh nghiệp nhà nước, Báo Vietnamnet có bài “Nhà nước giao nhiệm vụ, tạo ra thách thức cho DNNN”. Tác giả bài báo chỉ ra, hiện nay DNNN vẫn đối diện với hàng loạt thất bại trong thực hiện nhiệm vụ, vai trò của kinh tế nhà nước đối với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó nổi lên hàng đầu là vai trò dẫn dắt, mở đường, là nhiệm vụ thực hiện những phát triển mà khu vực dân doanh và FDI không làm, chưa làm, hoặc không có khả năng làm.
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dựa trên chiến lược tổng thể quốc gia, Nhà nước phải giao nhiệm vụ, đặt mục tiêu cao, tạo ra thách thức cho DNNN.
Xuất nhập khẩu vẫn luôn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và được báo chí đề cập. Dự đoán triển vọng xuất nhập khẩu năm 2022, Báo Lao động có bài "Dọn đường" để xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới trên 700 tỉ USD”. Bài báo này cho rằng trong bối cảnh khó khăn do tình hình thế giới, nhưng xuất nhập khẩu có thể lập kỷ lục mới với tổng giá trị kim ngạch trên 700 tỉ USD trong năm 2022.
Để hỗ trợ xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, cảnh báo phòng vệ thương mại, cắt giảm các thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành... để doanh nghiệp phát triển.
Cũng về đề tài xuất nhập khẩu, tuy nhiên, Tạp chí doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra một thực tế đáng báo động đối với ngành xuất khẩu sắn, “Xuất khẩu sắn thu về cả tỷ USD mỗi năm nhưng 'bỏ trứng vào một rổ', tiềm ẩn rủi ro”. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan. Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn trong nước.
Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.
Về tiêu dùng, trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ 10/3 vừa qua, nhiều người dân đã đổ xô đi du lịch. Báo Zing News có bài “Nhiều địa phương 'cháy phòng' dịp nghỉ lễ”. Theo phản ánh của tờ báo này, các khách sạn ở Phú Quốc gần như kín phòng 100%. Các địa phương du lịch khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận tỉ lệ lấp đầy phòng vào khoảng 70%, nhiều khách sạn đạt 100% trong dịp lễ nghỉ 3 ngày này. Bình Thuận cũng ghi nhận tỷ lệ lấp phòng 30 – 50% tại các khách sạn 1-2 sao và 75-85% đối với khách sạn 3-5 sao.