Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 1/10: Bộ Công Thương kiểm tra giá thành điện của EVN
Công Thương và công luận 01/10/2022 11:04
Vietnamnet đăng tải bài viết “Bộ Công Thương kiểm tra giá thành điện của EVN”. Theo bài viết, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có quyết định về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giai đoạn kiểm tra từ ngày 1/1-31/12/2021, đối tượng kiểm tra là EVN và một số đơn vị thành viên của EVN. Thời hạn kiểm tra kéo dài 45 ngày làm việc thực tế tại EVN và tại đơn vị có liên quan kể từ ngày công bố quyết định của Bộ trưởng Công Thương.
Cụ thể, thời gian kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện sẽ được phân bổ như sau. Tại EVN, 10 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra. Các đơn vị thành viên gồm: Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (NLDC); Công ty mua bán điện (EPTC); Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT); Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2); các Tổng công ty điện lực (TCTĐL) và nhà máy hạch toán phụ thuộc. Thời gian làm việc thực tế tại mỗi đơn vị trực thuộc không quá 5 ngày làm việc.
Báo Lao động có bài viết “Chính sách cho dự án dầu khí trước ngày Luật Dầu khí sửa đổi có hiệu lực?”. Để rõ ràng, đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt và các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt đối với các dự án dầu khí đã, đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, vẫn còn một số nội dung cần phải được tiếp tục nghiên cứu trong Dự thảo Luật này.
Theo bài viết, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư tại các dự án dầu khí đã và đang triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng, cần bổ sung thêm vào quy định chuyển tiếp (Điều 69 Dự thảo Luật).
Trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư dầu khí, nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến thời điểm kết thúc hợp đồng.
Trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó, thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của hợp đồng dầu khí. Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều hợp đồng có điều khoản quy định trong trường hợp chính sách thay đổi thì nhà đầu tư có quyền lựa chọn, áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn; cần thiết rà soát để có phương án xử lý, tránh xung đột pháp luật.
Về diễn biến trên thị trường xăng dầu, báo Infonet đăng tải bài viết “Giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm mạnh”. Tác giả bài báo nêu, giá xăng bán lẻ trong nước đang đứng trước cơ hội giảm giá khi xăng giá dầu thế giới biến động với các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng xu hướng chung là giảm. Rất có thể giá xăng dầu trong nước sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành tới.
Tác giả bài báo cũng thông tin, mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường. Bởi lẽ, các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định.
Điều này theo các doanh nghiệp là không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung và đặc biệt, tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.
Báo Tuổi trẻ cũng phản ánh thông tin về “sức khoẻ” một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây qua bài viết “Không còn 'dọa dẫm', nhiều đại lý xăng dầu ở miền Tây đóng cửa hàng loạt”.
Theo bài viết, nhiều đại lý và cửa hàng xăng dầu tại khu vực ĐBSCL đã đồng loạt đóng cửa, ngừng hoạt động với lý do càng bán càng bị thua lỗ do chiết khấu thấp, thậm chí là 0 đồng, trong khi chi phí vận hành rất tốn kém.
Tại An Giang, ông Nguyễn Minh Hùng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh xăng dầu. Riêng trong tháng 9-2022, cơ quan này tiếp nhận 10 thông báo tạm dừng kinh doanh với lý do như kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, đi ăn đám giỗ, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng...
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hường - chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN) - cho biết dù Nhà nước có quy định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu (1.050 - 1.250 đồng/lít xăng - PV) nhưng chưa tách bạch phần nào của doanh nghiệp đầu mối, phần nào của thương nhân phân phối và của doanh nghiệp bán lẻ.
Về cơ bản, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí này với doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp đầu mối không chia sẻ cho chuỗi bán lẻ khi duy trì mức chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng. Không những không có lãi, doanh nghiệp bán lẻ còn bị thua lỗ bởi chi phí vận hành hệ thống của doanh nghiệp bán lẻ rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, thậm chí không có tiền để mua hàng. "Do đó, theo tôi, cần rạch ròi khâu bán lẻ được hưởng bao nhiêu phần trăm trong chi phí định mức", bà Hường nói.