Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 12/10: Phát triển chuỗi cung ứng, cơ hội cho doanh nghiệp Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 13/10: 32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 9 tháng |
Cụ thể, theo Tiền Phong đưa tin Cơn “sốt” thiếu xăng đã hạ nhiệt hay như Báo Đảng Cộng sản có tin Cơn "khát" xăng… đã giảm nhiệt!
Theo các báo nêu, cho tới ngày 13/10, hiện tượng “cháy xăng” trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh dường như đã giảm nhiệt. Một số tỉnh thành khu vực phía Nam đã không còn cảnh chen chúc, xếp hàng dài chờ mua xăng dầu như những ngày trước. Nhiều cây xăng đã hoạt động trở lại, tình hình cung ứng xăng dầu đã trở lại bình thường.
Câu chuyện về xăng những ngày qua thật sự đã làm nhiều người ám ảnh và lo lắng khi họ đã từng phải chạy lòng vòng 3,4 cây xăng mà không thể mua nổi chút nào.
Trước tình hình căng thẳng về xăng như những ngày qua, ngày 12/10, Bộ Công thương đã có cuộc họp với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe ý kiến, tìm ra giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan chức năng, chúng ta cùng hi vọng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết vấn đề khan hiếm xăng tại một số tỉnh, thành khu vực phía Nam sẽ là những giải pháp căn cơ, hiệu quả để hiện tượng “khát xăng” như những ngày vừa qua sẽ không bao giờ tái diễn.
Nhằm ổn định cho thị trường xăng dầu, Báo Đầu tư đã đưa tin “Phó thủ tướng: Triển khai giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu”. Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 10 năm 2022, định hướng các tháng cuối năm 2022.
Theo đo, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Bên cạnh đó, VOV đưa tin: Đã đến lúc bỏ các trung gian phân phối xăng dầu? Theo đó, nếu giảm trung gian là các doanh nghiệp phân phối, cho phép các đại lý trực tiếp nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau nhưng có kiểm soát chất lượng đầu vào sẽ giảm chi phí kinh doanh lại tăng tính cạnh tranh.
Mặt hàng xăng dầu từ đầu mối khi đến các đại lý nếu qua nhiều khâu trung gian sẽ khiến chi phí tăng lên, đặc biệt nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là cơ hội để sản phẩm kém chất lượng trà trộn gây tổn hại cho uy tín của DN và niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì thế, thời gian tới Bộ Công thương cần thiết lập lại chuỗi cung ứng xăng dầu bằng cách rút gọn khâu trung gian. Đồng thời duy trì hình thức hóa đơn điện tử, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu trong quá trình lưu thông.
Quân đội nhân dân cũng nêu: Ổn định thị trường xăng, dầu: Cần gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp. Theo báo, dù tổng nguồn cung được cơ quan chức năng khẳng định bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường nhưng tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế.
Từ thực tiễn, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp linh hoạt, chủ động trước những biến động của thị trường; đồng thời có giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), để sớm ổn định lại thị trường xăng, dầu.
Ở góc độ doanh nghiệp, Người Lao động đã phản ánh: Doanh nghiệp xăng dầu nêu loạt kiến nghị với Bộ Công Thương. Báo nêu, Bộ Công Thương vừa cung cấp thông tin về cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường,
Tại cuộc họp các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra.
Đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết.
Để bình ổn thị trường xăng dầu, ngày 13/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Nhiều báo đã đưa tin như Thông tấn xã có bài: Bộ Công Thương yêu cầu hai nhà máy lọc dầu tăng công suất để đảm bảo nguồn cung.
Theo đó, quyết định của Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng cho thị trường trong nước.
Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ gồm 12 thành viên do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Trong Quyết định 396/QĐ-TTCP, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại một loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu hai nhà máy lọc dầu tăng công suất để đảm bảo nguồn cung. Pháp luật online có bài: Yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu tại Việt Nam tăng sản xuất xăng dầu.
Báo nêu, Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 6327 gửi Công ty TNHH lọc dầu Nghi Sơn và Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất tối đa để có thể cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, văn bản nêu rõ, để bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương yêu cầu 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.