Nhờ sự hỗ trợ của Thương vụ, vải thiều Việt Nam đã xuất khẩu sang Dubai |
Thành công trên thế “chân kiềng”
Mới thuở nào “Mỗi hòn than, hạt thóc, cân ngô/Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”, chắt chiu xuất khẩu (XK) để đổi về thiết bị, vật tư xây dựng nước nhà, đến nay, nước ta đã có nền ngoại thương chững chạc, với các mốc ấn tượng. Năm 1988, Việt Nam XK đạt mốc 1 tỷ USD. Từ 1 tỷ USD lên 10 tỷ USD phải mất 11 năm (1999). Từ 10 tỷ USD đến năm 2012, XK vượt qua 100 tỷ USD (mất 13 năm) nhưng chỉ 2 năm sau - năm 2014, kim ngạch XK đã đạt 150 tỷ USD.
Từ 1955, Việt Nam ký Hiệp định đầu tiên với Liên Xô, mở đầu sự hợp tác kinh tế giữa hai nước, đến năm 1960 ta đã có quan hệ thương mại với 22 nền kinh tế. Nay, con số đó đã hơn 180, trong đó có tất cả các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Năm 2015, XK nước ta vào thị trường Hoa Kỳ đạt 33,5 tỷ USD, vượt kim ngạch XK cả nước năm 2005 tới 2 tỷ USD.
Thời quy mô XK còn khiêm tốn, mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD đã rất tự hào, thế nhưng tới năm 2015, đã có 23 mặt hàng vượt khỏi mốc này, trong đó, mặt hàng điện thoại lên tới 30,6 tỷ USD. Một thời gian dài, XK dầu thô ngự ngôi đầu, nhưng năm 2015 đã bị đẩy xuống Top dưới trung bình vừa vì nguyên nhân khách quan nhưng cũng do sự trỗi dậy của nhiều mặt hàng mới.
Thời vận đến, thách thức cũng tới
Nhiều thành tố tạo nên sự thăng hoa trong hoạt động XK của Việt Nam, nhưng phải nhắc tới cơ chế đột phá là xóa bỏ chế độ nhà nước độc quyền ngoại thương. Từ đó, doanh nghiệp ngoại thương như trăm hoa đua nở. Bên cạnh đó, phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”, làm cho không gian thị trường nước ngoài ngày càng rộng mở. Cả hai thành tố đó cũng đặt ra yêu cầu cấp bách đối với công tác thị trường.
Tiếng là làm ngoại thương, song những ngày đầu, số cán bộ thạo “tiếng Tây” và am hiểu nghiệp vụ ngoại thương đã hiếm còn khập khiễng. Nhiều cán bộ tham gia kháng chiến, bộ đội chuyển ngành biết tiếng Anh, hiểu tiếng Pháp được điều về làm ngoại thương, nhưng lại chưa am tường nghiệp vụ, đành vừa làm vừa học. Không ít người giữ vai trò quan trọng trong ngành Ngoại thương nhưng làm việc phải qua… phiên dịch. Thực tế này khiến không ít cuộc đàm phán, phía khách chỉ có 1, mà ta thì cả dãy.
Nhiều thành tố tạo nên sự thăng hoa trong hoạt động XK của Việt Nam, nhưng phải nhắc tới cơ chế đột phá là xóa bỏ chế độ nhà nước độc quyền ngoại thương. Từ đó, doanh nghiệp ngoại thương như trăm hoa đua nở. |
Để thích ứng với thời cuộc bấy giờ, Bộ Ngoại thương lập ra bộ máy làm đầu mối về công tác thị trường nước ngoài gồm 2 Vụ, Vụ Khu vực I chuyên trách khối xã hội chủ nghĩa, Vụ Khu vực II làm với Khối ngoài xã hội chủ nghĩa. Các tổng công ty xuất nhập khẩu đều có Phòng khu vực cũng làm đầu mối giao dịch quốc tế của đơn vị. Tới thập kỷ 90, sau những biến cố trên trường quốc tế, bộ máy làm công tác thị trường nước ngoài được sắp xếp không theo ranh giới “Ý thức hệ” mà theo vùng lãnh thổ. Từ hai Vụ thành bốn Vụ thị trường là: châu Á - Thái Bình Dương; châu Âu; châu Mỹ và châu Phi, Tây Á, Nam Á, chủ yếu giải quyết quan hệ song phương. Tuy nhiên, khi hướng tới định chế thương mại khu vực và toàn cầu, các Vụ trên không khỏi lúng túng khi gặp tình huống quan hệ nhiều bên, đối tác khắp 5 châu. Tình thế đó đòi hỏi phải ra đời đơn vị đảm trách quan hệ thương mại đa phương. Thực ra, việc này đã phôi thai khi Vụ Châu Âu với tên là “Vụ Châu Âu và các tổ chức quốc tế”, song vẫn không ổn, nên Vụ Chính sách thương mại đa biên sớm thành lập. Cùng thời điểm này, Cục Xúc tiến thương mại ra đời, góp phần đưa công tác thị trường nước ngoài lên tầm cao mới, bắt nhịp với thời cuộc.
Bên cạnh đó, ngày nay, đội ngũ cán bộ làm ngoại thương ngày càng được trẻ hóa, khẳng định được trình độ, bản lĩnh. Nhiều người được đề bạt lên lãnh đạo cấp Vụ chưa tới tuổi 30; được cử làm “đại sứ” ngoại thương ở nước ngoài tức Tham tán thương mại; làm trưởng đoàn đàm phán hiệp định. Có vị “dân Ngoại thương gốc” là người Việt Nam đầu tiên được giữ chức Phó Tổng thư ký ASEAN. Các doanh nghiệp Ngoại thương, người “dính” đến nước ngoài đều tự làm từ A đến Z, không phải kè kè phiên dịch.
Ngẫm lại mới thấy tầm nhìn xa, đón trước thời vận của các Nhà lãnh đạo vận dụng sáng tạo phương sách “Chủ động hội nhập quốc tế”, mà việc chủ động tham gia các tổ chức kinh tế quốc, đỉnh cao là WTO, gần đây nhất ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là ví dụ sinh động.