Mong muốn Quốc hội sớm phê chuẩn
Chiều ngày 20/5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đã có 9 đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Tất cả các ý kiến đều đồng tình với Tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thẩm tra về Hiệp định EVFTA của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như báo cáo của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày).
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc ký kết Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho thị trường hàng hóa cho thị trường Việt Nam vào EU thuận lợi hơn. Doanh nghiệp, người dân sẽ tiếp cận với hàng hóa của EU với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút nguồn đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ EU vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thực thi Hiệp định giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, tiếp tục cải cách hành chính, điều kiện thủ tục kinh doanh; Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hoá chuyên nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay công tác hồ sơ, sổ sách cũng minh bạch hơn để hưởng lợi.
Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đưa ra 4 khuyến nghị cụ thể. Theo đó, cần cụ thể hoá các văn bản để doanh nghiệp triển khai thuận lợi; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Hiệp định đến với từng doanh nghiệp, nhóm lĩnh vực ngành hàng cụ thể; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến để duy trì khách hàng…
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao Chính phủ đã đạt được Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, phải biến thời cơ thành hiện thực nên đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị cần thực hiện nghiêm các cam kết Hiệp định. Nếu thực hiện sai thì phải có chế tài xử phạt. Khi Hiệp định có hiệu lực, chúng ta không nên phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào khi xuất nhập hàng hóa. Chính phủ cần có sự kế hoạch bổ sung, thay đổi, hoàn thiện mạnh mẽ về thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi gia nhập với các nền các kinh tế phát triển như EU.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm thông qua hai Hiệp định bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Việc sớm phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm có tấm vé vào thị trường EU.
Góp ý vào việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, việc thông qua Hiệp định EVFTA sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đẩy mạnh được xuất khẩu, cải thiện vị thế của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên để nền kinh tế, doanh nghiệp vận hành được Hiệp định thì còn gian nan và khó khăn. Vì vậy, cần sớm ban hành các luật, văn bản, thông tư để thực hiện Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp tực hiện cụ thể hóa các cam kết. Ngoài ra, cần ban hành những chương trình thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc hợp tác và cạnh tranh với những nền kinh tế hàng đầu của EU. Mặt khác cần chú trọng đến tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.
Phát biểu kết luận về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Trong phiên thảo luận có 9 đại biểu góp ý và nghe 2 Bộ trưởng giải trình, tiếp thu đối với Hiệp định EVFTA. Tất cả ý kiến của các đại biểu việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định 2 Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường đối ngoại, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong chương trình của Chính phủ cần luật hóa, thể chế hóa các quy định để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện tốt Hiệp định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự đầu tư, nghiên cứu thị trường, tác động giữa thị trường Việt Nam với các thị trường khác, tránh sự lệ thuộc. Bên cạnh đó, các Bộ ngành cần quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực đảm bảo nền kinh tế hội nhập tự lực, tự cường, hội nhập sâu; quan tâm hơn tới các chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác lợi thế, môi trường đầu tư vào EU nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu thảo luận về phê chuẩn Hiệp định EVFTA |
Hiệu quả từ công tác chuẩn bị
Là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị bộ hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, ngay từ rất sớm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc với Bộ Tư pháp để cập nhật Chính phủ kết quả rà soát pháp luật phục vụ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA; chủ động theo sát tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU, từ đó cập nhật kịp thời những thay đổi liên quan tới công tác phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Việt Nam; phối hợp với Văn phòng Quốc hội chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cung cấp thông tin giới thiệu và giải thích về Hiệp định EVFTA phục vụ cho việc thẩm tra của các Uỷ ban thuộc Quốc hội. Đặc biệt, tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, qua ý kiến thảo luận cho thấy, các đại biểu quan tâm và kỳ vọng rất lớn vào việc thực hiện hiệp định EVFTA và mong muốn Quốc hội sớm thông qua nhằm tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động tiêu cực.
Hiệp định EVFTA được ký kết vào tháng 6 năm ngoái nhưng chỉ trong một thời gian ngắn (đặc biệt là đầu năm 2020, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều mặt) Chính phủ đã có nhiều nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc phê chuẩn của Quốc hội khá đầy đủ, nhanh chóng, chất lượng.
“Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho đại biểu nắm thông tin cũng như thảo luận dễ dàng. Điều này góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn. Nhìn chung, đại biểu không có phàn nàn gì” – Ông Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ thêm.
Cùng chia sẻ về công tác chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn, Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng đánh giá công tác chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Hiệp định rất chu đáo, hiệu quả dựa trên kinh nghiệm từ nhiều năm, qua nhiều hiệp định khác, gần đây nhất là Hiệp định CPTPP.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh |
Theo ông Đỗ Văn Sinh, đây là cố gắng lớn, Chính phủ đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện cần thiết để triển khai đồng bộ khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội thông qua.