Theo đó, IEA cho rằng, động thái trên có thể đưa thế giới đạt được mục tiêu khí hậu quan trọng vào cuối thập kỷ này.
Số liệu từ IEA cho thấy, năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng 50% vào năm ngoái lên 510 gigawatt (GW) vào năm 2023, năm thứ 22 liên tiếp việc bổ sung công suất tái tạo đã lập kỷ lục mới.
“Sự tăng trưởng ‘ngoạn mục’ mang đến ‘cơ hội thực sự’ để các chính phủ toàn cầu đáp ứng cam kết đã được nhất trí tại Hội nghị khí hậu COP28 vào tháng 11 năm ngoái nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch”, IEA cho hay.
Công suất năng lượng tái tạo của thế giới tăng trưởng kỷ lục |
Cũng theo IEA, năng lượng mặt trời chiếm 3/4 công suất năng lượng tái tạo mới được lắp đặt trên toàn thế giới vào năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia tiên phong sản xuất năng lượng tái tạo này.
Báo cáo IEA cho hay, tốc độ tăng trưởng kỷ lục trên khắp châu Âu, Mỹ và Brazil đã đưa năng lượng tái tạo đi đúng hướng để vượt qua than để trở thành nguồn sản xuất điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. Đến năm 2028, dự báo các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030. Vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo, nhưng chúng tôi đang tiến gần hơn và các nước có các biện pháp cần thiết để thu hẹp khoảng cách”.
“Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận tài chính, tăng cường quản trị và tạo ra các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, điều cần thiết để giảm rủi ro cho nhà đầu tư và thu hút đầu tư. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các mục tiêu và chính sách mới ở những quốc gia chưa tồn tại”, IEA chỉ ra.
Theo IEA, cái gọi là lĩnh vực năng lượng mặt trời phân tán dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 200% từ năm 2023 đến năm 2028, so với 6 năm trước đó.
Trong khi đó, năng lượng gió đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát và chi phí vay cao hơn khiến các dự án ở châu Âu và Mỹ gặp trở ngại, đặc biệt là đối với các trang trại ngoài khơi. Đối với Mỹ, IEA đã cắt giảm hơn 60% dự báo về công suất điện gió ngoài khơi mới, sau khi các công ty hủy bỏ và trì hoãn các dự án do chi phí tăng cao. Cơ quan này cũng hạ dự báo về năng lượng gió ở châu Âu, do các dự án bị chậm trễ và tắc nghẽn lưới điện.