Nhu cầu xử lý ô nhiễm cao
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục. Đến nay, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải là trên 107.616 người...
Về dịch vụ công nghiệp môi trường, các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, theo TS. Hoàng Dương Tùng – Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường mới chú trọng phát triển các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải – vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội tại các thành phố lớn. Thống kê cho thấy, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn TP. Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày và dự báo tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn Thành phố sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lò đốt rác thải y tế Vite. Ảnh: Đức Quyền |
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt khoảng 98-99%, tại các huyện đạt khoảng 87%-88% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu thực hiện bằng các xe gom đẩy tay (công kềnh, lạc hậu) thường xuyên hình thành các điểm tập kết xe gần mặt đường, đầu ngõ gây mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân trong khu vực...
Trong khi đó, theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng. Để vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, hiện tại toàn thành phố có hơn 900 điểm tập kết tập trung rác (cả nội thành và ngoại thành); 27 trạm trung chuyển để tập kết tạm thời chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại nguồn để vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố.
Trước thực tế đó, Đảng, Chính phủ đã đưa ra các quy định chi tiết về phát triển ngành công nghiệp môi trường để hiện thực hóa ngành công nghiệp môi trường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các văn bản quy định về bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, thay thế. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được ban hành để thay thế Luật Bảo vệ môi trường 2014.
Giải pháp thúc đẩy công nghiệp môi trường
Tuy đạt được những kết quả nhất định, song đến nay, ngành công nghiệp môi trường vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
TS. Hoàng Dương Tùng cho hay, ngành công nghiệp môi trường là ngành mới, gần như chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy, để có những sản phẩm công nghiệp môi trường cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều, sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ..., nhất là trong điều kiện đất nước mở cửa và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới.
Bên cạnh đó, chúng ta chưa có các chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao; hạ tầng đáp ứng cho phát triển công nghiệp môi trường chưa được hoàn thiện, đầy đủ và phù hợp với bối cảnh Việt Nam… Để phát triển ngành công nghiệp môi trường đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở đề nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường nhằm tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường. Huy động và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Nguồn nhân lực phải đảm bảo đủ trình độ và số lượng để phục vụ cho làm việc tại cơ quan quản lý nhà nước và các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Ngành công nghiệp môi trường là ngành mới, gần như chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy, để có những sản phẩm công nghiệp môi trường cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều, sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ..., nhất là trong điều kiện đất nước mở cửa và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới. |