Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với phóng viên Báo Công Thương.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Bà đánh giá như thế nào về kết quả trên?
Thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao ở Việt Nam như trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã dần chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng ở mức khá cao với mức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn so mức tăng 9,5% của 4 tháng năm 2021 so với cùng kỳ.
Một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay, đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, (đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp) tăng khá với mức tăng 8,3% so cùng kỳ, nhiều ngành trọng điểm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 19,1%; sản xuất da, các sản phẩm có liên quan và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn cùng tăng 12,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%...
Bên cạnh đó, ngành khai khoáng cũng có tăng trưởng dương với mức tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,8% và năm 2021 giảm 6,3%) chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mức thấp (giảm 1,7% so với cùng kỳ), do giá dầu thô, khí đốt thế giới tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga và Ukraine đã tác động đến ngành năng lượng trong nước nói riêng và thế giới nói chung.
Ngành sản xuất và phân phối điện 4 tháng đầu năm 2022 cũng tăng cao với mức tăng tăng 6,6% so cùng kỳ; ngành điện luôn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Với những kết quả tích cực trên, có thể thấy ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và vẫn tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành kinh tế.
4 tháng đầu năm, ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp, chế biến chế tạo nói riêng vẫn có mức tăng ấn tượng |
Trong bức tranh công nghiệp 4 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có mức tăng ấn tượng nhất với 8,3%. Theo bà, đâu là động lực để ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có mức tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm?
Trong 4 tháng đầu năm, ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp, chế biến chế tạo nói riêng vẫn có mức tăng ấn tượng, phải kể đến một số yếu tố chủ yếu như sau:
Thứ nhất, đó là việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới giảm dần ở các địa phương trên cả nước, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Thứ hai, đặc biệt là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: Dầu thô; xăng dầu; hóa chất; sản phẩm hóa chất; giấy và các sản phẩm từ giấy; dệt, may; giày dép; sắt thép; sản phẩm từ sắt thép; máy ảnh, máy quay phim là linh kiện…
Thứ ba, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước cũng là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng tích cực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thứ tư, đặc biệt phải kế đến nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã rất tích cực, chủ động ứng phó với dịch Covid-19 bằng cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của dịch trong từng giai đoạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng rất chủ động trong việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng một phần sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo duy trì và phát triển sản xuất, xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên, nhiên liệu cho sản xuất, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng công nghiệp trong những tháng tới. Để khắc phục tình trạng này, theo bà chúng ta cần có những giải pháp gì?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất, đặc biệt là nguồn nguyên, vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và nguồn cung năng lượng. Tình trạng thiếu nguyên, nhiên liệu cho sản xuất là vấn đề đối với nhiều doanh nghiệp công nghiệp do gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung nguyên, nhiên liệu đầu vào, theo tôi trong thời gian tới cần có những giải pháp kịp thời và linh hoạt, theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế thế giới, cụ thể:
Thứ nhất, cần đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng. Như chúng ta biết, năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương cần có các biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn để đảm bảo chủ động nguồn cung năng lượng.
Thứ hai, các bộ, ngành tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Công Thương, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất nguyên, nhiên liệu, vật liệu và linh kiện phát triển, đảm bảo nguồn cung trong nước đạt chất lượng cũng như giá thành hợp lý và từng bước chủ động về nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường nguồn cung nguyên liệu, đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế.
Thứ ba, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế một phần nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi ký kết và thực hiện hợp đồng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!