Bài 3: Được 'chăm bẵm' công nghiệp hỗ trợ Việt sẽ trưởng thành?
Sau hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), công ty CP sản xuất Phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT (Bắc Ninh) đã đạt được nhiều kết quả, tham gia được vào chuỗi sản xuất của một số tập đoàn đa quốc gia như Yamaha, Panasonic...
Trong 1 USD xuất khẩu, FDI bỏ 0,4 USD nhập linh kiện
Tuy nhiên, ông Trần Duy Nhất, Tổng giám đốc JAT, cho rằng chặng đường phía trước của doanh nghiệp này còn rất gian nan, làm sao để trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn xuyên quốc gia đang là mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng tới.
Sẽ có nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Ảnh: TL) |
"Nếu có sự cố gắng, doanh nghiệp Việt dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Nhất nói nhưng cũng thừa nhận đôi khi chính bản thân ông cũng có lúc không đủ kiên nhẫn và quyết tâm. Chưa kể, đầu tư phát triển CNHT cần một số vốn rất lớn trong khi thời gian hoàn vốn kéo dài.
Vì vậy, ông Nhất băn khoăn: "Nếu doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau đó không có đơn hàng sẽ rất nguy hiểm. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước cả về vốn, tìm kiếm thị trường...".
Theo nghiên cứu của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), trong 1 USD xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, họ phải bỏ ra 0,4 USD để mua vật tư đầu vào từ nước ngoài. Tỷ lệ này cao khoảng 5 lần so với chuẩn quốc tế theo OECD. Điều đó cũng có nghĩa mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và trong nước còn nhiều hạn chế, khoảng cách ngày càng lớn. DN Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn: gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp (30-40%).
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các công ty Nhật Bản tại Việt Nam mua 32,4% hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ các nhà cung cấp Việt Nam, tỷ lệ này thấp hơn con số 67,8% tại Trung Quốc, 57,1% tại Thái Lan, và 40,5% tại Indonesia. Lý do là doanh nghiệp Việt yếu kém về kỹ năng, năng lực quản lý, thiếu thông tin, khả năng cung ứng, năng lực tài chính...
Trong khi đó, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), cho biết quy mô doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện.
Số lượng doanh nghiệp CNHT đạt yêu cầu về chất lượng rất ít (chỉ khoảng 1.000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm ngàn). Hiện tại, với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan hoặc Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.
Được cấp bù lãi suất khi vay vốn
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay theo bà Bình, là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Chi phí cao đến từ: lãi vay ngân hàng cao (FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm), thuế và phí các loại cao (không có ưu đãi gì), chi phí không chính thức cao khấu hao nhiều (hầu hết máy móc mới đầu tư)...
Trong khi đó, "các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như CNHT không tiếp cận được, không hiệu quả hoặc rất ít. Nếu so với các hỗ trợ mà CNHT ngành chế tạo được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi", bà Bình nói.
Phó Chủ tịch VASI cho rằng: "Không phải doanh nghiệp CNHT không muốn lớn mà chúng tôi cần sự giúp sức của Nhà nước để lớn".
Cụ thể, bà Bình mong muốn: Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay. Bên cạnh đó, Nhà nước có các ưu đãi về giãn giảm thuế, phí, lãi suất vay... Đặc biệt, cần có chính sách tạo dung lượng thị trường đủ cho CNHT phát triển.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho CNHT nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Theo đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 7 nhóm giải pháp để hỗ trợ phát triển CNHT. Trong đó, giải pháp đặc biệt nhất phải kể tới là tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thị trường cho CNHT.
Bộ Công Thương nhìn nhận, Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT là cơ sở, tiền đề cho các Bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại của công nghiệp, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới. Việc đưa Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống sẽ giúp DN CNHT lớn mạnh, từ đó đón cơ hội từ làn sóng dịch chuyển nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian tới.
'Bộ mặt' phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ thay đổi Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Nghị quyết 115 là quyết tâm lớn của Chính sau hội nghị toàn quốc về phát triển CNHT do Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuối năm 2019. Bộ Công Thương cùng phối hợp với các bộ ngành tham gia xây dựng gần một năm. Để thực hiện hiệu quả hỗ trợ bằng tài chính tại Nghị quyết, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để quy định cụ thể vào Nghị định 111 sửa đổi về phát triển CNHT, trên cơ sở rút kinh nghiệm về khó khăn, vướng mắc mà chính sách cấp bù lãi suất đang thực hiện ở những nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức quốc tế, các nhà mua hàng toàn cầu như Samsung để từng bước hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực, trình độ quản lý, kết nối với họ. Tất nhiên, trong lĩnh vực CNHT, DN cũng không thể một bước, một ngày nâng cao năng lực mà cần thời gian tích luỹ lâu dài. "Với chính sách của Chính phủ ban hành trong thời gian tới, sự nỗ lực của DN bộ mặt của ngành CNHT Việt Nam sẽ thay đổi, DN Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tuấn Anh đánh giá. |
Lê Thúy - Báo vnbusiness.vn xuất bản ngày 10/8/2020