Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại Diễn đàn Cấp cao CNTT – Truyền thông Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức diễn ra sáng nay (25/6), tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn |
Phát triển nhanh
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: CNTT là công cụ kỳ diệu mà chúng ta không thể không ứng dụng. Những việc khác chúng ta có thể làm từ từ chậm lại 1 năm, 1 tháng nhưng CNTT với tốc độ phát triển như vậy cho nên nếu chúng ta chỉ lỡ 1 ngày, 1 tuần có khi bằng người khác cả năm và hãy làm sao để CNTT tạo điều kiện cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người tưởng chừng không có điều kiện tiếp cận những gì tiên tiến nhất của nhân loại.
“Theo thống kê, CNTT của nước ta trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới. Trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm “thuê ngoài”, Việt Nam còn đứng đầu thế giới. Chưa kể, 1 loạt hiện tượng những cá nhân, doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mới của chúng ta có những sản phẩm được cả thế giới thừa nhận”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết: Trước đây, khi Internet ra đời xóa nhòa biên giới không gian và thời gian, khiến thế giới của chúng ta như phẳng hơn. Giờ đây với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ SMAC và xu hướng IoT khiến thế giới của chúng ta trở lên nhanh hơn bao giờ hết, và dường như không còn có sự giới hạn về tốc độ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các quốc gia đi sau có cơ hội nắm bắt CNTT để tăng tốc phát triển với tốc độ không hạn chế. Đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng tốc phát triển”.
“Ngành CNTT Việt Nam đã đạt được những bước phát triển phấn khởi. Việt Nam đã được xếp vị trí số 1 thế giới về dịch vụ thuê ngoài trong lĩnh vực phần mềm, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về thu hút đầu tư CNTT”, ông Bình khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng: Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, sự phát triển CNTT đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Trong năm 2014, tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 27 tỷ USD. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ.
Hội thảo thu hút hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự |
Ứng dụng rộng rãi CNTT
Theo báo cáo của VINASA, CNTT Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực. Năm 2014, Tổng cục Hải quan đã khai trương cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và triển khai chính thức tại các cảng biển quốc tế, rút ngắn thời gian xử lý thông quan hàng hóa. Bộ Công Thương đã kết nối được 3 thủ tục vào hệ thống một cửa quốc gia, gồm: Thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ ASEAN; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu mô tô phân khối lớn và thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu đối với các chất làm suy giảm tầng ozon.
Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai xây dựng hệ thống CNTT kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, với tổng cộng 11 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Tình trạng ách tắc giao thông đã được giải quyết phần nào thông qua việc ứng dụng hệ thống thu phí không dừng. Ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông nhờ hệ thống giám sát giao thông, giám sát hành trình phương tiện và hình thức phạt nguội…. Hệ thống bán vé tàu điện tử của Tổng công ty đường sắt Việt Nam; Các hình thức taxi mới như Grab hay Uber được cho phép hoạt động đã đem lại sự tiện lợi cho người dân.
Bộ Tài chính đang xây dựng hệ thống thông tin thống kê tài chính tập trung, thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu điều hành nền tài chính quốc gia. Còn ngành y tế đã bắt đầu triển khai các dịch vụ công trực tuyến và đã khai trương dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đầu tiên trong việc cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố tích cực triển khai xây dựng đô thị thông minh tạo môi trường sống tiện lợi, văn minh, hiện đại cho người dân, như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,…
Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông, Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách đặc biệt quan trọng: Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/1/2014 thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 thay thế Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 714/2015/QĐ-TTg triển khai 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử…