Trung ương kết luận, Thanh tra Hà Nội rút hồ sơ Dự án Park City Luật Thủ đô (sửa đổi): 2 phương án về quản lý, sử dụng không gian ngầm |
Hội nghị được trực tuyến tới 30 quận, huyện, thị xã.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh dự, chủ trì buổi làm việc.
100% cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai sổ sức khỏe điện tử
Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP. Hà Nội được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Viettel. Đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống HSSK với mạng số liệu chuyên dùng CPNet.
Thành phố đã tiến hành rà soát trang thiết bị và đường truyền tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trực thuộc thành phố phục vụ việc triển khai hệ thống; 100% các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc các đơn vị được cấp chữ ký số cá nhân, tổ chức.
Hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống đạt tỷ lệ 100% và tổ chức 5 lớp tập huấn cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh của 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức online qua phần mềm Zoom meeting.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc |
Thành phố cũng đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 trạm Y tế (tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25/01/2024).
Đến thời điểm hiện tại, hơn 8 triệu người dân trên địa bàn TP. Hà Nội được khởi tạo từ Hệ thống Tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19 và phần mềm Quản lý khám chữa bệnh, tiêm chủng Quốc gia lên hệ thống HSSK điện tử của TP. Hà Nội.
Thành phố cũng đã tổ chức đồng bộ 1.135.898 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID.
Để đẩy nhanh việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, Hà Nội đề xuất Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý về chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 13; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin hệ thống, cho phép kết nối cơ sở dữ liệu dân cư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh, cung cấp API và trả về thông tin thẻ; Bộ Y tế ban hành mẫu sổ điện từ và hướng dẫn người dân sử dụng; chỉ đạo các bệnh viện chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh…
Quang cảnh buổi làm việc |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hà Nội hiệu quả và trả lời cụ thể những vấn đề Hà Nội đề xuất trước ngày 20/3/2024.
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, đến 13/3 đã có 365 cơ sở khám chữa bệnh với hơn 1 triệu hồ sơ khám chữa bệnh được gửi lên BHXH Việt Nam và BHXH sẵn sàng cung cấp dữ liệu khám chữa bệnh Hà Nội khi đủ cơ sở pháp lý. Khó khăn vướng mắc nằm ở chỗ gần 3.200 cơ sở khám chữa bệnh chưa ký kết với BHXH nên chưa thể có dữ liệu khám chữa bệnh… Đa phần đều là phòng khám nhỏ, chưa đủ điều kiện. Ông Sinh đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn, có mã để các cơ sở này kết nối, chia sẻ dữ liệu vào hệ thống của BHXH.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý Sở Y tế Hà Nội cần chủ động đề xuất các phương án quản lý nhà nước để có những phương pháp quản lý hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội triển khai xong việc thí điểm sổ sức khỏe điện tử, báo cáo Tổ công tác của Chính phủ vào 15/6; chia sẻ kinh nghiệm để TP. Hồ Chí Minh học tập, triển khai.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Các cơ sở y tế phải triển khai được sổ sức khỏe điện tử dù là công lập hay tư nhân, to hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ việc này”.
Người dân sẽ không phải đến cơ quan công quyền để xác nhận lý lịch tư pháp
Đến thời điểm hiện tại, TP. Hà Nội đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử; tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh đạt 99% và Khai tử đạt 25,6%.
Việc thực hiện cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan nhà nước trong công tác quản lý.
Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, công dân ra đời mà Chủ tịch thành phố gửi email chúc mừng và được cấp luôn các giấy tờ liên quan thì rất phấn khởi. Thống nhất vào ngày 20/3 các bộ, ngành phải trả lời, góp ý 5 kiến nghị của Hà Nội.
Với việc cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, các bộ, ngành khẳng định đến ngày 30/3 sẽ triển khai được và đề nghị Hà Nội chuẩn bị chu đáo, các khó khăn sẽ được tháo gỡ kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: “Thống nhất người dân sẽ không phải đến cơ quan công quyền để xác nhận lý lịch tư pháp. Từ ngày không xác nhận bằng giấy nữa thì dứt khoát không để cơ hội nào có thể lợi dụng bắt người dân phải xác nhận bằng giấy tờ”…
Với việc xây dựng dữ liệu đất đai, vướng mắc nhất hiện nay là do ứng dụng, phần mềm chưa phù hợp và Hà Nội đang khẩn trương khắc phục, khai thác ngay dữ liệu đã có để phục vụ người dân…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao quyết tâm chính trị của TP. Hà Nội trong thực hiện thí điểm Đề án 06 của Chính phủ một cách trách nhiệm, đồng bộ, xuyên suốt để có kết quả như hôm nay. Nhấn mạnh đây là việc làm tất yếu của mỗi quốc gia trong quá trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội thường xuyên đôn đốc và thành lập các tổ khảo sát trực tiếp các xã theo hướng, còn bao nhiêu người dân được hưởng những dịch vụ, lợi ích của Đề án mang lại để đánh giá mức độ thành công của Đề án. Các địa phương tự rà soát các vấn đề pháp lý, những thủ tục không cần thiết nữa phải cương quyết bỏ.
Tiếp thu các ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ công tác Đề án 06 để hoàn thành đúng tiến độ của nhiệm vụ đã đề ra.