EVN trao 1 tỷ đồng hỗ trợ Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai EVN ủng hộ 1 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai EVN: Sản lượng điện tăng 10,9% trong 9 tháng năm 2024 |
Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Căn cứ vào kết quả của Đoàn kiểm tra, Bộ Công Thương đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Ảnh: EVN) |
Theo đó, việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 528.604,24 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất, kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022; giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).
Tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đồng/kWh; so với năm 2022, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng 29.112,84 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773,11 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,60 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428,54 tỷ đồng.
Sửa chữa lưới điện trung áp. Ảnh: NPC |
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Phân tích các yếu tố khiến EVN lỗ, theo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương: Trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí khâu phát điện chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 83%), chi phí các khâu còn lại (truyền tải, phân phối-bán lẻ điện, phụ trợ-quản lý ngành) chiếm khoảng 17%. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện điện năm 2023 tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022, chủ yếu do tăng chi phí khâu phát điện (tăng 29.112,84 tỷ đồng), các khâu khác có mức tăng không lớn.
Nguyên nhân chi phí khâu phát điện tăng chủ yếu do cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Năm 2023, tổng sản lượng điện năng giao nhận toàn hệ thống điện đạt 268,11 tỷ kWh, tăng 4,74% so với sản lượng điện thực hiện năm 2022, trong đó: Sản lượng từ các nguồn nhiệt điện than tăng 26,92 tỷ kWh (tương ứng tăng 29,67%), năng lượng tái tạo tăng 2,37 tỷ kWh (tương ứng tăng 6,63%; trong đó điện gió tăng trưởng mạnh với mức tăng 26,25% so với năm 2022), nhiệt điện dầu tăng 0,35 tỷ kWh, nhập khẩu tăng 0,45 tỷ kWh (tương ứng tăng 26,42%), sản lượng từ nhiệt điện khí giảm 1,99 tỷ kWh (tương ứng giảm 6,96%), thủy điện năm 2023 giảm 16,33 tỷ kWh (tương tứng giảm 16,8%) do tình hình thủy văn 6 tháng đầu năm gặp nhiều bất lợi khi thời tiết nắng gay gắt, nhiều nơi ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ, mùa khô kéo dài hơn so với quy luật nhiều năm.
Sản lượng điện từ các nguồn thủy điện và nhiệt điện khí giảm, trong khi phụ tải hệ thống tăng cao dẫn đến phải huy động bổ sung một lượng lớn từ nguồn nhiệt điện than. Cùng với đó là năng lượng tái tạo và nhiệt điện dầu, đây đều là những nguồn có giá thành cao hơn so với thủy điện.
Việc không có nhiều các công trình nguồn điện mới giá rẻ vào vận hành trong khi nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm cũng là lý do EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn.
Ngoài ra, EVN còn treo khoản chênh lệch tỉ giá. So với các năm trước, khoản chênh lệch tỉ giá chưa phân bổ này tăng thêm hơn 3.307 tỉ đồng trong năm 2023.
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032,07 tỷ đồng, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 - 2023.